Bắc Bộ và Trung Bộ đón nắng nóng, có nơi trên 37 độ C

01/04/2023 20:00

(NLĐO) - Sau nhiều ngày mưa và nồm ẩm, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chuẩn bị đón đợt nắng nóng cục bộ, có nơi trên 37 độ C. Trong khi đó, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng dần đạt mức cao nhất vào giữa tuần

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn, ngày 2-4 khu vực phía Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Tây khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có nắng nóng cục bộ.

Bắc Bộ và Trung Bộ đón nắng nóng, có nơi trên 37 độ C - Ảnh 1.

Bắc Bộ và Trung Bộ sắp đối diện với đợt nắng nóng

Dự báo từ đêm 1-4 đến đêm 2-4, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-20 mm/24 giờ, có nơi trên 50 mm/giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa vừa, mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Từ ngày 3 đến 5-4, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Dự báo từ ngày 1 đến 10-4, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng, miền Đông Nam Bộ có nắng nóng. Khoảng thời kỳ ngày 5 đến 6-4, có thể xuất hiện mưa, mưa rào nhẹ rải rác tập trung về chiều tối. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 23-26 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 33-36 độ C, miền Đông có nơi trên 36 độ C. 

Mực nước tại các trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,5 m, tại Châu Đốc 1,65 m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,25-0,3 m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu: từ ngày 1 đến 10-4, mực nước trạm Vũng Tàu dao động phổ biến trong khoảng 3,63-3,86 m (thời gian xuất hiện đỉnh triều khoảng từ 3-5 giờ hoặc 13-15 giờ hàng ngày). Mực nước thủy triều phía biển Tây (trạm Phú Quốc): Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 7-4, mực nước triều tại trạm Phú Quốc có xu hướng giảm dần. Từ ngày 8-4, mực nước sẽ có xu hướng tăng trở lại, đỉnh triều trong thời kỳ này phổ biến dao động trong khoảng 1,0-1,2 m.

Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 1đến 10-4, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng dần đạt mức cao nhất vào giữa tuần, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 4-2022.

Theo nhận định, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương mùa khô năm 2021-2022. Từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5-2023, xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần; xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tăng cao vào tháng 4, sau đó giảm.