Bộ TT&TT chỉ rõ sự nguy hại của thuật toán "up-trend" trên TikTok

07/04/2023 16:30

Thuật toán phân phối nội dung tự động của TikTok tạo xu hướng (trend) phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong quý I/2023, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH &TTĐT) đã cung cấp thông tin, làm rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm, như thông tin về một số vi phạm của TikTok và một số nền tảng xuyên biên giới.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục PTTH &TTĐT cho biết, trong 3 năm vừa qua, TikTok đã phát triển rất mạnh với số lượng người dùng tăng nhanh tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên sự phát triển này lại không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng.

Sự kiện - Bộ TT&TT chỉ rõ sự nguy hại của thuật toán "up-trend" trên TikTok

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại họp báo. (Ảnh: mic.gov.vn)

Tài liệu do Cục PTTH & TTĐT cung cấp cho báo chí chỉ điểm rõ 6 sai phạm của TikTok:

- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em;

- Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ;

- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,…

- Không quản lý hoạt động của các Idol TikTok nên để nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo "trend" để thu lời từ những nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, Idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.

- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.

- Không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác. Việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý của họ vi phạm:

Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải bồi thường theo Điều 592 Bộ luật Dân sự. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Sự kiện - Bộ TT&TT chỉ rõ sự nguy hại của thuật toán "up-trend" trên TikTok (Hình 2).

TikTok đang có nhiều sai phạm khi hoạt động tại Việt Nam.

Về giải pháp đối với những vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do cho biết, sắp tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Trong đó, sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Bộ TT&TT cũng sẽ nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét, xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh. Ngoài ra, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Công thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.  

Đánh giá về thực trạng phòng chống tin giả ở Việt Nam, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT cho biết, từ năm  2018 đến nay, Bộ TT&TT đã có những bước tiến đột phá trong chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội xuyên biên giới, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và việc ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả khó hơn nhiều đối với nền tảng xuyên biên giới.

Hiện, Bộ TT&TT đang nỗ lực đưa tin giả về mức có thể kiểm soát được nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Bộ cũng đã phát hành bộ tài liệu "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" theo hình thức sách in, sách điện tử, phổ biến trên các mạng xã hội lớn thông qua các video clip ngắn.

An An