ĐBQH: Cử tri cả nước rất quan tâm nội dung công tác nhân sự

22/05/2023 08:01

Theo ĐB Nguyễn Thị Sửu, các nội dung dự kiến trong chương trình kỳ họp đều là những vấn đề không chỉ các ĐBQH quan tâm mà cử tri trên cả nước cũng rất quan tâm.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào sáng hôm nay 22/5, trước thềm phiên khai mạc, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi nhanh với ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị cũng như những nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp lần này.

NĐT: Ngày 22/5, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc trọng thể, xin đại biểu đánh giá về công tác chuẩn bị, những nội dung dự kiến xem xét, quyết định tại kỳ họp?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Phải khẳng định, công tác chuẩn bị, chỉ đạo của Thường trực Quốc hội, UBTVQH ngày càng chuyên nghiệp, có những giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện công tác của đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.

Đặc biệt, phù hợp với tình hình mới của xu thế đất nước cần phải bàn bạc thông qua hoặc cho ý kiến đối với các dự án Luật nói chung, các Nghị quyết để giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước.

Bên cạnh đó, kỳ họp thứ 5 lần đầu tiên áp dụng nghỉ giữa kỳ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết. Tôi cho rằng, công tác sắp xếp chương trình kỳ họp lần này rất phù hợp.

Các nội dung dự kiến trong chương trình kỳ họp đều là những vấn đề không chỉ các ĐBQH quan tâm mà cử tri trên cả nước đều rất quan tâm.

Chính sách - ĐBQH: Cử tri cả nước rất quan tâm nội dung công tác nhân sự

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nội dung về công tác nhân sự được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

NĐT: Kỳ họp thứ 5 được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và xem xét thông qua tới 20 dự án luật, dự thảo Nghị quyết, đại biểu đặc biệt quan tâm đến dự án Luật nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Tôi đặc biệt quan tâm đến những dự án luật như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); luật Giá (sửa đổi); luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… những luật này có mối quan hệ rất chặt chẽ, khăng khít với thị trường, cuộc sống. Do đó, tôi cũng đánh giá rất cao việc sắp xếp các dự án luật trong chương trình kỳ họp.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất quan tâm đến chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, làm sao giám sát năm sau vừa chuyên nghiệp, toàn diện. Đồng thời, bám sát thực tế đời sống hơn.

NĐT: Thưa đại biểu, tại kỳ lần này Quốc hội cũng sẽ xem xét về công tác nhân sự, xin đại biểu chia sẻ kỳ vọng của mình đối với việc lựa chọn nhân sự lần này?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Kỳ họp thứ 5, nội dung về công tác nhân sự cũng rất quan trọng. Đặc biệt, nhân sự một số bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên và Môi trường… rất cần thiết kiện toàn vì không thể thiếu người đứng đầu.

Đây là một trong nhiều nội dung cử tri cả nước và ĐBQH cũng rất quan tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình để có sự nhìn nhận, đánh giá, chọn lựa nhân sự có đủ đức đủ tài. Chúng tôi cũng rất tin tưởng việc kiện toàn nhân sự sẽ có được sự đồng thuận cao.

Chính sách - ĐBQH: Cử tri cả nước rất quan tâm nội dung công tác nhân sự (Hình 2).

Đại biểu kỳ vọng kỳ họp thứ 5 sẽ mở ra những “cánh cửa” mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế mới.

NĐT: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, vậy đâu là nhóm vấn đề đại biểu đặc biệt quan tâm?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Việc đưa ra 5 nhóm vấn đề để lựa chọn 4 nhóm đưa vào chất vấn tại kỳ họp thứ 5 dựa trên phân tích từ cơ sở thực tiễn.

Nhóm vấn đề 1 (lĩnh vực khoa học và công nghệ); nhóm vấn đề 2 (lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp); nhóm vấn đề 3 (lĩnh vực dân tộc) là 3 nhóm vấn đề tôi đặc biệt quan tâm.

NĐT: Xin đại biểu chia sẻ về những kỳ vọng của mình trước thềm kỳ họp thứ 5?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Chúng tôi rất kỳ vọng kỳ họp thứ 5 sẽ mở ra những “cánh cửa” mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế mới. Trong đó, có nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển một cách ổn định, bền vững theo tinh thần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Sẽ có giải pháp gỡ khó, phúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá kỳ họp thứ 5 có khối lượng lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng. Theo đó, khối lượng công việc liên quan đến công tác lập pháp là tương đối đồ sộ. Trong đó, một nội dung đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại dự thảo trình Quốc hội lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, vẫn cần một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18 đặc biệt là các vấn đề liên quan đến: Tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất;...

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua cũng như những nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, đại biểu kỳ vọng kỳ họp sẽ diễn thành công tốt đẹp với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân.

Nội dung Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tế xã hội hiện nay. Do đó, kết quả của Kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, qua thảo luận tại Kỳ họp sẽ có giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.