Đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp ngày công lao động của dân quân tự vệ

26/05/2023 16:01

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định nhằm đề xuất điều chỉnh định mức bảo đảm trợ cấp ngày công lao động với Dân quân tự vệ.

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Bộ Quốc phòng cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dân quân tự vệ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoạt động phối hợp của lực lượng Dân quân tự vệ, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, một số quy định về chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ trong Nghị định số 72/2020/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, mức hưởng các chế độ, chính sách tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định bằng mức tiền cụ thể tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở (1.490.000 đồng) quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng. Vì vậy định mức hưởng phụ cấp, trợ cấp và một số chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Nghị định số số 72/2020/NĐ-CP quy định mức tối thiểu trợ cấp ngày công lao động cho dân quân là 119.200 đồng (bằng mức lương cơ sở 1.490.000 đồng nhân với hệ số 0,08); mức hưởng cao hơn do HĐND cấp tỉnh quyết định. Thực tế hiện nay địa phương bảo đảm từ 119.200 đồng đến 250.000 đồng/người/ngày. Trong khi đó mặt bằng thu nhập ngày công lao động phổ thông của địa phương khoảng từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/người/ngày. Mặt khác, mức trợ cấp đối với gia đình và phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị động viên khi được tập trung làm nhiệm vụ từ 262.000 đồng đến 280.100 đồng/người/ngày (tùy thuộc vào cấp bậc, quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.

Như vậy, mức trợ cấp ngày công lao động của dân quân đều thấp hơn so với mặt bằng thu nhập ngày công lao động phổ thông của địa phương và mức trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị động viên khi huy động huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng: Phụ cấp hàng tháng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Phụ cấp chức vụ; Phụ cấp đặc thù quốc phòng quân sự; Phụ cấp thâm niên. Tổng mức hưởng khoảng gần 3.000.000 đồng/tháng là còn thấp, không bảo đảm cuộc sống, dẫn đến tình trạng nhiều đồng chí đã xin thôi công tác (tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 498 Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đã thôi công tác).

Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của dân quân thường trực: Tại Điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Dân quân tự vệ và khoản 4 Điều 12 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định dân quân thường trực là đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; kinh phí mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho dân quân thường trực do địa phương bảo đảm.

Tuy nhiên, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP chưa quy định cụ thể thời gian, mức đóng, mức hưởng, cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chưa quy định mã định danh, mã quyền lợi cấp thẻ BHYT, chưa quy định thân nhân của dân quân thường trực được hưởng BHYT như thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội tại ngũ là chưa thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ quy định: dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ có tính chất đặc thù quốc phòng quân sự. Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp ngày công lao động cho dân quân khi thực hiện các nhiệm vụ là như nhau (trừ làm nhiệm vụ trên biển).

Thực tế thời gian qua, dân quân tự vệ đã thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng. Đây là những nhiệm vụ có yêu cầu cao, tính chất phức tạp, phải huy động kịp thời, hoạt động không kể ngày, đêm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng dân quân tự vệ. Trong khi đó mức hưởng chế độ, chính sách của dân quân khi thực hiện những nhiệm vụ này cũng bằng mức hưởng khi làm nhiệm vụ bình thường, tính chất, điều kiện, môi trường bình thường là không phù hợp.

Về kinh phí đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở: Tại Khoản 5 Điều 37 Luật Dân quân tự vệ quy định nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng: "Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở". Hiện nay kinh phí đào tạo do cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bảo đảm theo Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Các địa phương thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo ngành quân sự cơ sở với Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2 và Trường quân sự các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; dẫn đến tình trạng việc bảo đảm kinh phí đào tạo thiếu thống nhất giữa các địa phương; nhiều địa phương không đủ khả năng ngân sách thanh lý hợp đồng đào tạo. Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ chưa quy định cụ thể trách nhiệm bảo đảm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương trong đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, gây khó khăn cho các địa phương khi xác định nội dung, bảo đảm kinh phí đào tạo.

Từ những vấn đề nêu trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ là cần thiết.

Tăng phụ cấp 8 nhóm chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ

Dự thảo Nghị định đề xuất mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định cụ thể như sau:

Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 0,24.

Phó Chỉ huy trường, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trường, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 0,22.

Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 0,21.

Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 0,20.

Thôn đội trưởng: 0,12 và hưởng thêm 50% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 50% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 50% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng.

Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 0,15.

Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 0,12.

Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 0,10.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng mức phụ cấp tối thiểu hằng tháng của Thôn đội trưởng. Cụ thể, đối với Thôn đội trưởng, mức hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 0,5 mức lương cơ sở.

Điều chỉnh định mức bảo đảm trợ cấp ngày công lao động với Dân quân tự vệ

Dự thảo Nghị định đề xuất điều chỉnh định mức bảo đảm trợ cấp ngày công lao động với Dân quân tự vệ như sau:

Thứ nhất, đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.

Theo các điểm a, b khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 1 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP về định mức bảo đảm trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế như sau:

Mức trợ cấp ngày công lao động do Uỷ ban nhân dân các tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 0,14 mức lương cơ sở, trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng.

Dân quân khi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở khu vực nguy cơ lây nhiễm cao, cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và được hưởng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng.

Mức tiền ăn thường xuyên, mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết được hưởng như quy định đối với hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi ăn, nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về như cán bộ, công chức cấp xã.

Thứ hai, đối với dân quân biển.

Căn cứ theo các điểm c, d khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 2 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP về định mức bảo đảm trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân biển như sau:

Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển. Mức trợ cấp ngày công lao động theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị định; mức tiền ăn khi tàu neo đậu tại cũng đi biển làm nhiệm vụ như hạ sĩ quan, binh sĩ hải quân trên tàu loại 3.

Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển. Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày bằng 0,25 mức lương cơ sở mức tiến ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở.

Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu, thợ máy mức phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển mỗi ngày bằng 0,08 mức lương cơ sở.

Tuệ Minh