Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang

04/06/2023 12:00

Để du khách hiểu hơn về cuộc sống cũng như phong tục của người dân ở các làng chài ven biển, Lễ hội Cầu Ngư đã được tái hiện bên bờ biển vịnh Nha Trang.

Chiều 3/6, tại Công viên bờ biển đoạn đối diện đường Tuệ Tĩnh (Tp.Nha Trang, Khánh Hòa), Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa tổ chức tái hiện Lễ hội Cầu Ngư. Đây là một hoạt động văn hóa trong chương trình Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa 2023.

Chương trình có sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân đến từ 2 phường Vĩnh Trường và Vĩnh Nguyên, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cùng đông đảo người dân, du khách.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết Lễ hội Cầu Ngư là một tín ngưỡng dân gian truyền thống của cư dân miền biển, được duy trì, kế tục xuyên suốt thông qua quá trình lao động và sinh hoạt của ngư dân vùng biển.

“Lễ hội Cầu Ngư thực sự là ngày hội làng biển ở Khánh Hòa, qua đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, hướng về cội nguồn và tạo nên sự cố kết cộng đồng bao đời nay của cư dân vùng biển.

Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa thể hiện niềm tin và ý chí vượt thắng gian lao để xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Đồng thời là bài ca lao động của cộng đồng cư dân vùng biển, được tái hiện dưới hình thức tế lễ, trò diễn dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Qua đó, nuôi dưỡng vốn văn hóa dân gian, truyền thống của miền đất Nam Trung Bộ, góp phần tạo nên nền tảng để xây dựng bản sắc văn hóa miền đất Khánh Hòa”, ông Văn cho biết.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang

Ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại chương trình.

Lễ hội Cầu Ngư được bắt nguồn từ tục thờ ông Nam Hải. Ông Nam Hải là danh xưng của cá Voi - loài cá có thân hình to lớn nhưng bản tính lại hiền hòa, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển nên được ngư dân các tỉnh phía Nam gọi là “Đức Ông”, “Cá Ông” hay “Ông Nam Hải”.

Khi cá Ông “lụy” trôi dạt vào bờ thuộc địa phận làng biển nào thì làng biển ấy lập Lăng thờ phụng rất nghiêm cẩn. Lễ tế Ông Nam Hải ngày nay thường được gọi là Lễ hội Cầu Ngư.

Tại các vùng ven biển của tỉnh Khánh Hòa hiện nay, lễ hội cầu ngư được tổ chức trong 3 ngày với nhiều nghi thức như trong lễ cúng đình gồm lễ Rước sắc, Túc Yết, Nghinh Thủy triều (Nghinh Ông), hò Bá Trạo, Tỉnh sanh, Tế Chánh, Thứ Lễ, Tôn Vương, Tống Na.

Trong đó, lễ Nghinh Thủy triều được tổ chức theo hình thức tế lễ và đám rước trên biển; trò diễn hò Bá Trạo là một tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc riêng có của lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ.

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 2).

Mở đầu lễ hội là 2 đoàn rước Nghinh Ông về đình chính của ngư dân phường Vĩnh Trường và Vĩnh Nguyên. Trong ảnh: Đoàn rước diễu hành trên đường phố.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 3).

Vừa đi vừa biểu diễn hò Bá Trạo.

Lễ hội bắt đầu với lễ Nghinh Ông rồi vào đền làm lễ chính. Hai đoàn rước từ phía Bắc và phía Nam của ngư dân, bà con 2 phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường cùng về đền tế lễ chính.

Sau lễ tế chính là trò diễn Bá Trạo, vừa là trò diễn nghệ thuật vừa là một nghi thức chính trong tế lễ. Khi Nghinh Ông ở vạn lạch trở về Lăng trò diễn này để rước Ông nhập Lăng. Trò diễn Bá Trạo tái hiện quá trình ngư dân lao động trên biển. Sau đó là múa lục cúng hoa đăng, múa lân, múa rồng… thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân trăm họ.

Lễ hội Cầu Ngư được ngư dân làng chài ven biển tổ chức mỗi năm với mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Ngư dân ra khơi, có đi có về, khoang thuyền đầy ắp cá, quanh năm vui được mùa.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 4).

Lễ hội Cầu Ngư thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 5).

Các đoàn vào khu vực làm lễ.

Anh Trương Ngọc Long, người dân phường Vĩnh Trường, Tp.Nha Trang tham gia vào đoàn rước của phường, chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được đại diện ngư dân vùng biển tham gia lễ hội. Đây là lễ hội rất ý nghĩa đối với nhân dân vùng biển, thông qua lễ tái hiện chúng tôi mong muốn có thêm nhiều người dân, du khách biết đến giá trị văn hóa này của ngư dân”.

Đông đảo người dân và du khách đã đến xem lễ hội. Anh Nguyễn Văn Vũ, du khách đến từ tỉnh Long An, chia sẻ: “Ở quê tôi không có những lễ hội như thế này, nên đây là lần đầu tiên tôi được xem Lễ hội Cầu Ngư. Việc tái hiện lễ hội không chỉ giúp những du khách như tôi có cơ hội tìm hiểu và biết thêm về văn hóa, cuộc sống của ngư dân mà còn đem đến nhiều màu sắc trong chương trình Festival Biển”.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 6).

Trò diễn Bá Trạo, vừa là trò diễn nghệ thuật vừa là một nghi thức chính trong tế lễ; tái hiện quá trình ngư dân lao động trên biển.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 7).

Thực hiện nghi thức lễ tế chính.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 8).

Đông đảo người dân, du khách theo dõi Lễ hội Cầu Ngư.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 9).
Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 10).

Múa lục cúng hoa đăng.

Văn hoá - Rộn ràng không khí tái hiện Lễ hội Cầu Ngư bên bờ biển vịnh Nha Trang (Hình 11).

Clip: Tái hiện Lễ hội Cầu Ngư 

Châu Tường