Cùng đi với Bộ trưởng có Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại; PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội; Nhà báo Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - văn hóa và Nghệ thuật.
Thay mặt các đơn vị phối hợp tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024, Nhà báo Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật đã báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những điểm mới của Lễ hội Sen tại Thủ đô, dù mới được tổ chức lần đầu những đã tạo được những dấu dấn riêng biệt để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách, đại biểu tham dự trong và ngoài nước.
Theo đó, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 khai mạc tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội), tối 12/7. Lễ hội kéo dài tới ngày 16/7 với nhiều hoạt động đặc sắc, như: Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 với 100 gian hàng; nổi bật với tác phẩm "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" được kết từ hơn 10.000 bông hoa sen quan âm tạo điểm Checkin cho du khách; Đêm nhạc "Mùa Sen về nhớ Bác" của các CLB Ví Giặm đến từ Nghệ An quê hương của Bác; Đêm giao lưu Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội (Việt Nam) - Venezuala hay Chương trình Nghệ thuật đặc sắc "Tình Sen" thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài Quân đội.
Trong khuôn khổ lễ hội, dự kiến sẽ xác lập 2 kỷ lục là: Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” - Ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây có số lượng người tham gia nhiều nhất Việt Nam (7.000 người) và sự kiện có số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam (1.000 người). Đặc biệt, tại lễ hội, Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật đã giới thiệu bức tranh kính chân dung Bác Hồ có kích thước 1,7mx2,5m, chất liệu kính cường lực, được ghép từ 1.944 tấm ảnh hoa sen chụp từ các vùng miền của đất nước. Tác phẩm trên sau khi được trưng bày tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ trong thời gian diễn ra lễ hội, sẽ được ban tổ chức trao tặng cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế.
Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật cũng vui mừng chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về một số điểm mới đặc sắc của Lễ hội Sen Hà Nội 2024 như việc đến với Lễ hội, du khách được thương hiệu Chay Đạo An giới thiệu 203 món ăn độc đáo, bổ dưỡng từ nhiều bộ phận của cây sen và được thưởng thức trải nhiệm 12 món ăn từ Sen Tây Hồ; HTX Nông nghiệp Xứ Đoài (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) giới thiệu sản phẩm miến Sen, dưa ngó Sen, sữa Sen, tinh bột Sen nguyên chất; Nghệ nhân Đỗ Văn Cường giới thiệu những tác phẩm Sen thu được tạo hình độc đáo từ gỗ lũa; NSNA Hoàng Vân giới thiệu bộ sưu tập ảnh nghệ thuật, tranh sơn mài Sen độc đáo; Viện Nghiên cứu Rau quả giới thiệu 30 giống Sen quý của Thủ đô đã được bảo tồn và phát triển; Nghệ nhân Phạm Thị Thuận giới thiệu những sản phẩm dệt cao cấp từ tơ sen; Và lễ hội đã thu hút hàng trăm sản phẩm OCOP có nguồn gốc cây Sen đến từ các chủ thể trên mọi miền của Tổ Quốc...
Sau khi nghe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại và Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí báo cáo về thực trạng phát triển cây Sen trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giải pháp thúc đẩy phát triển cây Sen gắn với phát triển du lịch sinh thái; khai thác những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hoa sen để thúc đẩy chuỗi giá trị kinh tế từ cây Sen, nhất là việc đẩy mạnh chế biến những dòng sản phẩm đặc trưng từ cây Sen trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đánh giá cao những nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cùng sự phối hợp với quận Tây Hồ và một số đơn vị tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên. Ông nhấn mạnh sự kiện này không chỉ quy mô, ấn tượng mà còn lan tỏa những giá trị thiết thực. Bộ trưởng cũng đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều chủ thể sản xuất kinh doanh, góp ý về công tác thiết kế bao bì, nhận diện sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm gắn với khai thác các giá trị văn hóa bản địa.
Bộ trưởng cùng các đại biểu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chủ thể tham gia Lễ hội
Bộ trưởng khẳng định, đằng sau mỗi sản phẩm OCOP là sự chung tay của rất nhiều người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn và chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mỗi sản phẩm OCOP hướng tới việc “kích hoạt” sự năng động và “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, qua đó đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.
Bộ trưởng đánh giá cao sự phong phú đa dạng các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ cây sen và các sản phẩm truyền thống lấy họa tiết của hoa sen tại Lễ hội
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng trong mỗi sản phẩm OCOP đều tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa - yếu tố phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng, miền. Ông nói: “Ngày nay người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm”. Nếu bán cái hữu hình thì có giá để so sánh, nhưng sẽ không có cái giá nào để so sánh khi bán niềm tự hào của người dân và những giá trị văn hóa bản địa được lồng ghép tinh tế trong các sản phẩm OCOP...".
Ông cho rằng, chỉ riêng cây Sen đã tích hợp của một miền văn hóa rộng lớn và đa dạng, ấn chứa trong đó những câu chuyện hấp dẫn mà không có nhiều sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có được. Từ đó, ông cho rằng nếu được nhận thức đúng đắn, đầu tư bài bản và đồng bộ, thì hệ sinh thái kinh tế Sen sẽ kích hoạt nhiều giá trị, khởi dậy tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Thông qua những sản phẩm từ hoa sen sẽ kéo theo nhiều ngành hàng khác phát triển. Ông bày tò tin tưởng với chiều sâu văn hóa từ cây Sen đã được ông cha trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, với chiều rộng từ sự phong phú các sản phẩm từ cây Sen và những hiệu quả kinh tế thiết thực từ cây Sen mang lại, từ thành công của Lễ hội Sen Hà Nội 2024, Lễ hội Sen Đồng Tháp và nhiều địa phương khác, cần sớm hình thành và tổ chức Festival Sen có quy mô lớn hơn nhằm thúc đẩy việc kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị và phát triển nhanh, mạnh và bền vững dòng sản phẩm đặc hữu từ cây Sen mang Made in Việt Nam. Cây Sen hoàn toàn có vị trí xứng đáng hơn và từng bước trở thành một trong những "sứ giả" lan tỏa những giá trị văn hóa, nhận diện thương hiệu nông sản Việt với bầu bạn năm Châu.
Bộ trưởng nhận xét rằng Hà Nội đã và đang đi đúng hướng trong việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa và thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn. Ông đề nghị, Thành phố cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm hình thành khu văn hóa lễ hội gắn với hoạt động trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền làm đầu tàu để từ đây sản phẩm OCOP vươn ra biển lớn.
Nhiều sản phẩm từ cây Sen mang đặc trưng văn hóa vùng miền
Tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024, chỉ riêng khu trải nghiệm không gian văn hóa trà sen đã có tới hàng chục gian hàng đến từ các vùng miền của cả nước
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về câu chuyện sản phẩm với chủ thương hiệu trà Tam Nguyên
Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại tặng quà lưu niệm là bức tranh chân dung Bộ trưởng Lê Minh Hoan được ghép từ ảnh hoa sen trưng bày tại Lễ hội