
Lịch sử Việt Nam được dệt nên từ khát vọng độc lập và tinh thần tự tôn dân tộc bền bỉ. Chính nền tảng tinh thần ấy là điểm tựa để đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới sáng tạo với năng lực nghiên cứu ngày càng nâng cao, đủ sức tạo dựng các tập đoàn công nghệ mang dấu ấn Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng như tác giả cảnh báo, hành trình đó không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà cần bắt đầu bằng thể chế cụ thể là xây dựng một nhà nước kiến tạo, pháp quyền hiện đại và có trách nhiệm.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan đến Ireland, bài học rõ ràng nhất là: chỉ khi thể chế vận hành hiệu quả, doanh nghiệp nội địa được hỗ trợ thực chất, nguồn nhân lực chất lượng cao được đầu tư bài bản thì mới có thể đưa quốc gia thoát khỏi “bẫy gia công” để vươn tới các lĩnh vực công nghệ cao như AI, năng lượng tái tạo hay logistics toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số và lớp trẻ không còn chấp nhận “làm việc vì giấc mơ của người khác”, Nghị quyết 57 cần được thực hiện như một cuộc cách mạng đổi mới tư duy và thiết kế lại toàn bộ bộ máy vận hành chính sách.
Tác giả nhấn mạnh, “nút thắt của nút thắt” hiện nay không nằm ở tầm nhìn hay chiến lược, mà nằm ở khâu thực thi. Doanh nghiệp tư nhân đã được xác định là trung tâm của tăng trưởng, nhưng chính sách cần đi kèm với hành động cụ thể, minh bạch và kịp thời. Đồng thời, KH&CN không thể phát triển nếu không có một môi trường học thuật lành mạnh, một đội ngũ nghiên cứu đạt đến “khối lượng tới hạn” để hình thành động lực nội sinh thực sự. Trong quan điểm đó, việc tạo ra sản phẩm kinh tế không phải là mục tiêu trước mắt, mà chỉ là hệ quả của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.
Một trong những nhận định đáng chú ý được tác giả Minh tâm trích lại từ phóng viên Seth Mydans (New York Times) là: “Việt Nam là quốc gia sở hữu nguồn nội lực rất lớn chưa được khai thác, đó chính là con người Việt Nam.” Nếu biết khơi dậy, nguồn lực này sẽ là nền tảng để đất nước bứt phá, không chỉ để phát triển, mà để các quốc gia khác phải nhìn Việt Nam với sự nể trọng.
Vấn đề đặt ra hiện nay không còn là “Việt Nam có khát vọng hay không”, mà là làm thế nào để biến khát vọng đó thành thành tựu cụ thể, từ niềm tự hào cảm xúc trở thành niềm tự hào thành quả. Chỉ khi đó, Nghị quyết 57 mới thực sự đi vào cuộc sống, và KH&CN cùng ĐMST mới trở thành lực lượng sản xuất chủ lực, góp phần kiến tạo một quốc gia thịnh vượng và một xã hội thái bình.
Như Tổng bí thư Tô Lâm đã nói: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”, “Chỉ có khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới”. Nghị quyết 57 không chỉ là một định hướng phát triển KH&CN, mà còn là lời hiệu triệu về tinh thần dân tộc và năng lực đổi mới. Trong khúc vĩ thanh của chiến lược này, điều quan trọng không phải là nói điều lớn lao, mà là làm điều căn cơ – cải cách thể chế, đầu tư vào con người, và thực thi chính sách bằng tất cả quyết tâm đổi mới từ bên trong.
Đọc thêm bài viết gốc TẠI ĐÂY