Tiêu chí đánh giá tác phẩm Cây cảnh Nghệ thuật và Bonsai đương đại

Để đánh giá một tác phẩm cây cảnh, cây thế theo phong cách Cây cảnh nghệ thuật truyền thống hay Nghệ thuật Bonsai đương đại, đến nay, các chuyên gia trong nước và Quốc tế đã đưa ra nhiều tiêu chí, phương pháp đánh giá khác nhau.

Tại Festival Sinh Vật Cảnh Hà Nội 2024, Viện Kinh tế - văn hóa và Nghệ thuật đã đưa ra bảng đề xuất đánh giá các tác phẩm Cây cảnh nghệ thuật và Bonsai dự thi tại Festival đựa trên một số tiêu chí chính:

“Phô thân - Khoe dáng - Lộ căn

Cổ linh - Tinh tú - Kỹ dăm - Mịn tàn

Chủ đề - Bố cục rõ ràng

Vẻ đẹp tổng thể dọc ngang hài hòa”

Stt

Nội dung

Số điểm

1

PHÔ THÂN: Để chỉ đường chạy thân chính của tác phẩm mạch lạc rõ ràng thể hiện được ngôn ngữ tạo hình và ý đồ của người tạo tác muốn diễn tả hình thái với đầy đủ các bộ phận gốc, rễ, thân, cành, chi, dăm, lá tạo thành một chỉnh thể tác phẩm thống nhất. Đây là yếu tố “thân pháp” dễ quan sát và mang lại cảm xúc nhất đối với người thưởng lãm. Người cơi cây cảnh xưa và nay đều trọng đánh giá cây cảnh ở điểm này và coi đó là “thân thế”, “hồn cốt” của một tác phẩm.

 

 

 

10

2

KHOE DÁNG: Là sự phô bày vẻ đẹp hình thể, vóc dáng bên ngoài của tác phẩm, những yếu tố tác động trực tiếp đến  giác quan người thưởng lãm. Khoe dáng không chỉ đơn thuần là việc trình bày phô diễn vẻ đẹp vật chất ra bên ngoài, mà còn là sự phát tiết những giá trị tinh thần từ bên trong ra bên ngoài. Tác phẩm biểu đạt thần thái ra bên ngoài thông qua một trong các dáng (Trực, Siêu, Hoành, Huyền…) tạo vẻ đẹp tương xứng với các dáng, vừa biểu đạt được cái bao la tự nhiên. Cây được thu nhỏ vào trong chậu cạn để biểu thị những cảm xúc, ý đồ và thông điệp của người tạo tác là tạo ra đôi rồng bay xuống tọa lạc trên một gò đá vững chãi. Thông thường, chính sự đối lập giữa thân pháp, mâm bệ rễ của tác phẩm vững chãi có yếu tố tĩnh với các dáng cây mềm mại uyển chuyển, có độ nghiêng đổ phù hợp mang tính động đã tạo ra sự tương giao giữa cây và các yếu tố trang trí để cuốn hút cho tác phẩm.

 

 

 

 

 

10

3

LỘ CĂN: Với những tỷ lệ hiện có, tác phẩm đã được thu nhỏ dần để đảm bảo bố cục hài hòa giữa các tay đòn và thân để tạo được bố cục “gốc bồ ngọn chỉ” tay cành tỷ lệ hài hòa, mâm rễ nở đều ra các hướng và “lộ căn” phù hợp với dáng thế cây là một yếu tố làm nên sự chỉnh thể của một tác phẩm có sức sống. Đây là yếu tố “gốc rễ” được ví như cội nguồn, tổ tông rất căn bản để gợi cảm về yếu tố không gian, thời gian hội tụ trong một tác phẩm. Trong văn hóa Phương Đông, “lộ căn” là thuật ngữ được dùng trong phong thủy và bát tự với nghĩa là điểm khởi đầu, bản chất gốc rễ của một vấn đề để ám chỉ nguồn năng lượng, yếu tố nền tảng hoặc căn nguyên của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội.

 

 

 

 

10

4

CỔ LINH: Tuổi thọ của tác phẩm nên đã hình thành những nét cổ lão tự nhiên do thời gian, tuổi tác làm cho gốc rễ, thân cành của cây cũng chùn ngắn lại, lá cũng thu nhỏ và dày hơn, toàn thân đanh chắc, dáng vẻ phong sương của năm tháng rất rõ ràng. Những dấu vết u sẹo trên thân cây cũng có thể do con người dùng kỹ thuật lão hóa tác động làm cây trở nên cổ. Điều đáng nói là yếu tố cổ đó đã được nhiều thế hệ nghệ nhân nối tiếp tạo tác theo một chủ đề thống nhất với hình thái của tác phẩm. Nhờ đó, mà tác phẩm trở nên có hồn, toát ra vẻ thần thái biểu lộ cảm xúc, sự lôi cuốn, hấp dẫn người xem; cổ linh còn là yếu tố sức mạnh, sức sống giữ vai trò chủ đạo ẩn chứa bên trong tác phẩm được biểu lộ ra bên ngoài thông qua các bộ phận, đường nét, màu da, sắc thái của cây. Qua đó giúp con người có thể đọc được, hiểu được tình cảm, cảm nhận được ngôn ngữ biểu đạt của vật dù chúng có trìu tượng đến đâu. Trong quan niệm của người xưa, “cổ linh” là những giá trị thiêng liêng ẩn sâu trong tác phẩm, là “linh hồn” sợi dây vô hình kết nối nên mối tương giao giữa con người với tác phẩm.

 

 

 

 

 

 

 

10

5

TINH TÚ: Là những vẻ đẹp vượt trội được tạo ra từ sự tinh xảo, tinh tường, tinh hoa trong quá trình tạo tác. Nó thể hiện sự khéo léo, chắt lọc đến tột cùng cả về mặt chất lẫn lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về ngôn ngữ tạo hình đến bố cục tác phẩm; là thông điệp văn hóa mà con người gửi gắm trong tác phẩm một cách kín đáo khéo léo...thể hiện sự thăng hoa trong cảm xúc kết hợp sự khéo léo tài tình trong thao tác kỹ thuật. Tinh tú là sự quái kiệt thể hiện sự công phu, tài nghệ “xuất chúng” khác thường, vượt ra khỏi sự chân phương, khuân khổ vốn có của nó. Tú của cây cảnh nghệ thuật có thể là do con người dùng kỹ thuật tạo ra hoặc là do tác động của các yếu tố thiên nhiên và môi trường mà tự thân tạo ra.

10

6

KỸ DĂM: Cùng với sự giao thoa, tiếp biến và học hỏi có chọn lọc những phong cách tạo tác Bonsai đương đại của khu vực và thế giới, nghệ nhân tạo hình cây cảnh đã tạo ra sự cổ lão cho tác phẩm đồng bộ từ những chiếc rễ nổi cuồn cuộc trên mặt đất đến thân, cành, nhánh và từng chiếc dăm đều có sự già nua đồng màu (màu thời gian). Cây trải qua bấm sửa nhiều lần nên các đốt của cành, nhánh, dăm đã thực sự chùn rụt ngắn lại. Kỹ dăm còn thể hiện sự công phu tỉ mỉ của người nghệ nhân qua năm tháng. Nên chỉ cần nhìn vào độ kỹ của dăm cũng đã đủ để đánh giá sự trân trọng của chủ nhân đối với tác phẩm.

10

7

MỊN TÀN: Tàn lá của tác phẩm khắc họa thành những tản vân mờ ảo mềm mại hay chia theo bông tán truyền thống các hướng để tôn nên vẻ đẹp của tổng thể tác phẩm. Tàn là độ xèo của cành, tán lá của cây được tạo hình thành những mảng khối tạo sự cân đối cho tác phẩm. Độ mịn của tàn chính là “y phục” điểm tô mang yếu tố chấm phá tạo những nét duyên dáng cho một tác phẩm thêm phần hoàn thiện. Vào mỗi mùa các nhau trong năm, sắc lá thay đổi những tàn mịn giúp cho tác phẩm luôn giữ được phong độ, đẳng cấp của một tác phẩm trường tồn còn mãi với thời gian.

10

8

CHỦ ĐỀ - BỐ CỤC VÀ VẺ ĐẸP TỔNG THỂ: Những thông điệp mà tác giả gửi gắm trong quá trình tạo tác tác phẩm từ đặt tên cho tác phẩm, bố cục, ngôn ngữ tạo hình, vật trang trí, đôn chậu...có một vai trò quan trọng để hình thành bản sắc riêng có của tác phẩm, làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Tổng thể tác phẩm phải hài hoà, tôn trọng tự nhiên, có tính sáng tạo và thể hiện rõ chủ đề tư tưởng làm ra tác phẩm; Ý nghĩa chủ đề và điểm sáng tạo độc đáo tạo nên giá trị thẩm mỹ và kinh tế (Tôn vinh sự sáng tạo, kế thừa truyền thông và hiện đại…)

30

 

 

 

 

Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật