Quảng cáo #38

Lá thư dang dở và sự kiên cường của người anh hùng Gạc Ma

Giữa những loạt đạn kẻ thù, thiếu úy Trần Văn Phương vẫn ôm chặt cột cờ, hô vang lời thề quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bức thư anh viết vội gửi về quê nhà Quảng Bình chưa kịp đến tay người thân thì anh đã anh dũng ngã xuống, trở thành biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước.

36 năm đã trôi qua kể từ trận chiến bi tráng bảo vệ Gạc Ma ngày 14/3/1988, nhưng ký ức về những người lính Hải quân kiên trung vẫn còn mãi. Trong số đó, thiếu úy Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma – là một trong những tấm gương sáng ngời về tinh thần bất khuất.

z6427014405027-10689f6cbf09c4a1338ad1754fd9d957-1742541577.jpg

"Dòng tâm thư cuối cùng của Đảo phó Gạc Ma"

Theo lời kể của cựu binh Lê Hữu Thảo, vào rạng sáng 14/3, 30 chiến sĩ Việt Nam nhận lệnh cắm cờ và xây dựng công trình trên đảo Gạc Ma. Tuy nhiên, chỉ một giờ sau, tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, đổ quân ngăn cản. Dù chỉ có cuốc, xẻng, bộ đội ta vẫn kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ quanh người, giữ chặt cột cờ trong cuộc giằng co ác liệt. Khi bị bắn trúng, anh vẫn hô vang: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông, chứ cương quyết không để mất đảo!" trước khi ngã xuống.

Binh nhất Nguyễn Văn Lanh lao tới giữ lấy lá cờ, nhưng cũng bị lưỡi lê đâm xuyên vai. Những chiến sĩ khác cố gắng đưa đồng đội bị thương về tàu, nhưng hỏa lực từ tàu Trung Quốc quá mạnh. HQ-604 chìm giữa biển lửa, HQ-505 bị bắn cháy phần đuôi nhưng vẫn kiên cường lao lên bãi cạn Cô Lin để giữ vững chủ quyền.

chien-si-gac-ma-2770-4919-1742541568.jpg

Bức thư tay của Liệt sĩ Trần Văn Phương được lưu trữ tại khu tưởng niệm Gạc Ma

Trận chiến không cân sức ấy đã khiến 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị bắt. Nhưng máu của họ đã viết nên trang sử hào hùng, để Trường Sa mãi là một phần thiêng liêng của Tổ quốc!

Danh Dương