BẢN HÙNG CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN (*): Biểu tượng của tinh thần quả cảm

13/03/2023 12:01

Những ngày tháng 3, tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, người dân từ mọi miền Tổ quốc đã về đây dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đến thăm Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma năm 2022 đã ghi lại trong sổ vàng lưu niệm: "Tôi và đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương sáng chói ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam".

Bồi hồi xúc động

Từ sáng sớm 7-3-2023, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng hơn 220 cán bộ Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam và các đoàn viên, thanh niên huyện Cam Lâm đã tổ chức hành trình "Sống mãi tuổi hai mươi" tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhằm tri ân, tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

BẢN HÙNG CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN (*): Biểu tượng của tinh thần quả cảm - Ảnh 1.

Các đoàn khách đến dâng hương, dâng hoa tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đầu tháng 3-2023

Ông Đặng Ngọc Tùng là người đề ra ý tưởng và vận động các ngành, các cấp, địa phương tham gia xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. 

"Mỗi lần ra Trường Sa, thả những vòng hoa tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, tôi như thấy hình ảnh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo quê hương cứ nhìn về phía mình. Thân xác các anh nằm lại ở biển cả, gia đình và người thân vẫn đau đáu đưa các anh về lại đất mẹ. Hình ảnh ấy cứ day dứt mãi trong tôi. Từ đó, tôi có tâm nguyện xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma... Ý tưởng này được 100% thành viên Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam ủng hộ, người dân trong nước và cả kiều bào chung tay đóng góp xây dựng" - ông Đặng Ngọc Tùng cho biết.

Từ khi Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được đưa vào hoạt động, có dịp đến Khánh Hòa và nhất là ngày 14-3, ông Đặng Ngọc Tùng đều ghé thắp nén hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ. Mỗi lần ghé thăm, ông đều bồi hồi xúc động.

Cứ đến ngày 14-3 hằng năm, bà Đỗ Thị Hà (ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, người đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma) cũng đều đến Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thăm nom, hương khói cho chồng và đồng đội. "Nhìn tượng đài uy nghi mà lòng tôi ấm áp hơn rất nhiều, nỗi buồn vơi bớt dù thân xác anh Doanh vẫn nằm lại nơi biển sâu" - bà bùi ngùi.

Chị Trần Thị Thủy (ngụ phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh) - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương - cho biết mộ của cha ở tỉnh Quảng Bình nhưng vì đường xa nên chị không thường xuyên thăm nom được. Do đó, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 14-3, chị lại đến Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp hương và coi đó như phần mộ chung cho cả cha và đồng đội.

"Tôi cùng thân nhân các liệt sĩ thật sự cảm thấy ấm áp khi được người dân cả nước quan tâm" - chị Thủy bày tỏ.

Địa điểm về nguồn, giáo dục thế hệ trẻ

Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000 m2, đi vào hoạt động từ tháng 7-2017 với vốn đầu tư hơn 130 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên Công đoàn và người lao động cả nước. Khu tưởng niệm gồm 5 khu vực: Quảng trường lối vào, Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, khu trưng bày ngầm, mộ gió - Quảng trường Hòa Bình và Con đường hoài niệm.

Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hình ảnh và di vật của 64 liệt sĩ. Tại khu tưởng niệm, người dân và du khách được nghe kể lại thời khắc mà Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân đang xây dựng và bảo vệ đảo đá Gạc Ma thì bị quân xâm lược tấn công. Các cán bộ, chiến sĩ đã vây lại thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Theo Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, đến nay, nơi đây đã đón hơn 1.500 đoàn với hơn 500.000 lượt người đến viếng, dâng hương, dâng hoa. Hàng chục cơ quan, đơn vị đã làm lễ kết nạp đảng viên ở đây. Khu tưởng niệm này cũng là một điểm tham quan của nhiều tour du lịch về nguồn.

Ông Võ Duy Trúc, Chánh Văn Phòng LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa kiêm Giám đốc Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết năm nay đúng 35 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma nên khu tưởng niệm đón nhiều người đến thăm viếng hơn mọi năm.

Ông Bùi Hoài Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là biểu tượng tinh thần quả cảm của những chiến sĩ đã quên mình bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thực sự trở thành một địa điểm để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, tình yêu nước, tinh thần anh dũng bảo vệ biển đảo quê hương… 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-3

Bức thư cuối cùng từ Quân cảng Cam Ranh

Những ngày đầu tháng 3 này, chúng tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), mẹ liệt sĩ Lê Thế (SN 1967) - một trong 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.

Bà Huệ cho biết sinh thời, anh Thế mơ ước được khoác áo lính nhưng vì khối u nhỏ ở mắt nên ba lần bảy lượt đi khám, anh vẫn không được tuyển vào quân ngũ. Quyết tâm đến cùng, anh nhờ bác sĩ cắt bỏ khối u. Cuối cùng, anh cũng được tuyển chọn lên đường nhập ngũ. "Hôm đó, Thế chạy về ôm chầm lấy tôi báo tin đã được vào bộ đội. Nó bảo khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, con sẽ về giúp mẹ làm nhà, cưới vợ và chăm sóc, bù đắp cho mẹ" - bà Huệ nhớ lại.

Vào Quân cảng Cam Ranh, ngày 29-2-1988, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, anh Thế viết thư về cho mẹ thông báo sẽ ở lại đây khoảng 2 tuần rồi lên tàu ra Trường Sa… Đó là bức thư cuối cùng và cũng là kỷ vật duy nhất của người con trai mà bà Huệ còn lưu giữ.

H.Định

Tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc

Sáng 12-3, tại Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Hòa Cường Bắc ở quận Hải Châu, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988) đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988.

13-box

Thả mô hình tàu HQ604 xuống sông Hàn tưởng niệm sự kiện Gạc Ma.Ảnh: B.VÂN

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng, cho rằng 35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người lính Gạc Ma quả cảm. Sự hy sinh của các anh đã trở thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Ông Tấn nhấn mạnh thế hệ hôm nay và mai sau cần phải khắc cốt ghi tâm, không ai được phép lãng quên sự hy sinh này.

Ngay sau lễ tri ân, đồng đội các liệt sĩ Gạc Ma đã thả mô hình tàu HQ604 và hoa đăng, vòng hoa tưởng niệm xuống sông Hàn.

B.Vân