Bị tước giấy phép lái xe vì vi phạm nồng độ cồn: Bỏ bằng lái, thi lại được không?

06/03/2024 13:00

Nhiều người thắc mắc “nếu vi phạm nồng độ cồn và bị tước giấy phép lái xe thì có thể bỏ rồi thi lại bằng lái mới được không”?

Câu hỏi: Vì vi phạm nồng độ cồn, tôi bị tước giấy phép lái xe trong 2 năm. Do tiền phạt và thời gian bị giữ giấy phép quá lâu nên tôi dự định thi bằng lái mới. Xin hỏi, trong trường hợp này tôi có thể thi lại bằng lái mới được không?

Trả lời:

Tước giấy phép lái xe (GPLX) là tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn. Đây là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động tham gia giao thông.

Khoản 1, Điều 25, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, trong thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, cụ thể là lái xe.

Nếu bị tước GPLX trong một khoảng thời gian, tức là người vi phạm không được quyền lái các loại xe tương tự trong khoảng thời gian bị tước đó. Do vậy, khi chưa hết thời hạn bị phạt thì người này cũng không được học, thi và cấp GPLX mới.

Theo đó, cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thì sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng (theo điểm g, khoản 3, Điều 37 Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021).

Ngoài ra, người khai báo gian dối để đăng ký thi GPLX mới còn bị tịch thu các giấy tờ, tài liệu giả mạo (điểm đ, khoản 9, Điều 37 Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021).

Chính vì thế, những trường hợp bị tước GPLX thì tài xế nên chấp hành nghiêm, không nên khai báo gian dối để tránh vướng vào những rắc rối về pháp lý

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Minh Hoa (t/h)