Gia Lai: “Thủ phủ” khoai lang “cầu cứu”

06/04/2024 20:10

Diện tích khoai lang tăng đột biến, giá cả sụt giảm, đầu ra bấp bênh, huyện Phú Thiện kiến nghị tỉnh Gia Lai kêu gọi doanh nghiệp “giải cứu” giúp nông dân.

Mùa khoai đắng…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, người trồng khoai lang tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đang bước vào vụ thu hoạch.

So với mọi năm, diện tích khoai lang năm nay của các địa phương đều tăng đột biến. Riêng “thủ phủ” khoai lang Phú Thiện có 3.400ha, tăng khoảng 2.200ha so với năm trước.

Diện tích tăng vọt là một trong những nguyên nhân chính kéo giá khoai lang vụ này rớt thê thảm, chỉ còn 3.500 đồng/kg, khiến không ít hộ dân lỗ nặng.

Giá cả giảm mạnh, khiến người dân bỏ bê không chăm sóc. Kèm theo đó thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh phát triển mạnh khiến khoai bị sùng, không xuất bán được.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, xã Chư A Thai, nơi có diện tích trồng khoai lang lớn của huyện Phú Thiện, do giá giảm sâu nên không khí thu hoạch bị chùng xuống.

Anh Đỗ Văn Nguyên (ngụ thôn Drok, xã Chư A Thai), buồn bã cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 4ha khoai lang. Chi phí đầu tư 1ha khoảng 80-90 triệu đồng. Mấy năm trước, khoai lang được giá (từ 12-14 nghìn/kg) nên người dân có lãi. Chính vì vậy năm nay, người dân ồ ạt làm khoai, diện tích tăng vọt, cung lớn hơn cầu khiến giá rớt thê thảm. Sau khi trừ các chi phí, tôi phải bù lỗ từ 40-50 triệu/ha”.

Tượng tự, trò chuyện với PV, ông Tạ Văn Vị (ngụ thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cho hay, niên vụ trước, nhờ giá tăng mạnh 8ha khoai lang của gia đình ông cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

“Năm nay, tôi quyết “chơi lớn” khi bỏ ra 240 triệu đồng thuê hơn 8ha đất của người dân tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) đầu tư trồng khoai, nhưng năm nay thua lỗ nặng”, ông Vị nói.

Dân sinh - Gia Lai: “Thủ phủ” khoai lang “cầu cứu”

Giá khoai sụt giảm khiến người nông dân thua lỗ.

Theo ông Vị, năm nay ông cũng đầu tư chăm sóc, phun thuốc phòng ngừa bệnh hại như mọi năm nhưng ruộng khoai bị nhiễm sùng khá nhiều.

Có thể, do năm nay nắng hạn kéo dài, tạo điều kiện để sùng sinh sôi, phát triển trên diện rộng. Cũng có thể do mầm bệnh tích tụ sẵn trong đất hoặc giống khoai lang mua từ tỉnh Lâm Đồng bị nhiễm bệnh.

4ha khoai lang của gia đình ông có hơn một nửa bị sùng. Nhiều ruộng khoai lang của người dân trong thôn còn bị nhiễm nặng toàn bộ, không thể thu hoạch, phải vứt bỏ ngoài đồng.

Tương tự, ông Phan Văn Chiến (ngụ làng Kinh Pêng, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) có 7ha khoai lang bị sùng gây hại.

Theo ông Chiến, khoảng 3 tháng đầu sau khi xuống giống, khoai lang vẫn phát triển rất tốt, nhưng chỉ ít ngày sau đó, bọ sùng tấn công làm củ bị thâm đen, thối. Khi đó, ông và người dân xung quanh buộc phải thu hoạch sớm để tránh bệnh lây lan trên diện rộng, nếu không xem như mất trắng.

“Phần lớn người dân nơi đây đều có kinh nghiệm trồng khoai lang trong nhiều năm. Đặc biệt, người dân rất chú trọng khâu cải tạo đất trước khi trồng, nhưng không hiểu sao sùng vẫn tấn công. Nguyên nhân có thể do thời tiết tại huyện Phú Thiện thời gian qua nắng nóng, cộng với việc tưới nước không đều làm sùng sinh sôi, nảy nở”, ông Chiến chia sẻ.

Dân sinh - Gia Lai: “Thủ phủ” khoai lang “cầu cứu” (Hình 2).

Khoai cho củ to nhưng nhiễm sùng thương lái không thu gom.

Kêu gọi doanh nghiệp giải cứu

Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện thông tin thêm, trước đây vào thời kỳ chưa thu hoạch thì HTX có liên kết với một số công ty để thu mua. Sau này, thị trường khoai nhiều và địa bàn xa nên công ty không về, chủ yếu là HTX thu mua cùng với nhân dân bán ra các chợ đầu mối.

“Lượng khoai năm nay bà con nông dân trồng cùng đợt với người dân các tỉnh Tây Nguyên, diện tích gấp 4-5 lần các năm trước. Chính vì vậy, thời kỳ thu hoạch khoai nhiều quá nên số lượng tiêu thụ chậm. Một số bà con hoang mang, sợ khoai lang không tiêu thụ được dẫn đến “cung vượt cầu”, giá rẻ hơn so với năm ngoái", ông Năm nói.

Theo ông Năm, tổng diện tích cây khoai lang trên địa bàn huyện (vụ Đông Xuân 2023-2024) là 3.440ha. Hầu hết, người dân sử dụng giống khoai lang Nhật Bản và chủ yếu người dân trồng luân canh giữa 2 vụ lúa (tập trung chủ yếu ở các xã như Chư A Thai, Ia Sol, Ia Piar).

Dân sinh - Gia Lai: “Thủ phủ” khoai lang “cầu cứu” (Hình 3).

Giá cả giảm mạnh, kèm sâu bệnh khiến vụ khoai năm nay lỗ nặng.

Ước tính năng suất bình quân đạt từ 20 tấn/ha; tổng sản lượng khoai lang vụ Đông Xuân 2023-2024 khoảng 68.800 tấn.

Đến thời điểm hiện tại, diện tích khoai lang đã thu hoạch 2.064ha (khoảng 60%), diện tích còn lại đang thu hoạch dự kiến đến 30/4/2024 sẽ thu hoạch xong. Giá thời điểm tháng 1 và tháng 2/2024 là 10 nghìn đồng/kg. Nhưng giá hiện nay rớt xuống thê thảm, chỉ còn 3,5 nghìn đồng/kg.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bệnh sùng bùng phát, là do giá khoai lang năm nay giảm thấp, dẫn đến nhiều hộ bỏ bê không đầu tư chăm sóc, phòng trừ bệnh hại.

Tiếp nữa là do năm ngoái, giá khoai lang tăng cao, người trồng trúng lớn. Vì vậy, năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng bắt đầu chuyển sang trồng khoai lang, khiến diện tích tăng đột biến. Bởi trồng ồ ạt, người dân sử dụng nguồn giống không đảm bảo, nên một số diện tích khoai lang bị sùng gây hại, nhất là đối với những diện tích thu hoạch muộn.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng bộ môn Hệ thống (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) chỉ rõ: “Bệnh sùng trên cây khoai lang do một loại sâu hại gây nên. Cụ thể, con sùng tấn công vào củ khoai lang, nhất là giai đoạn củ phát triển cho đến khi thu hoạch. Bệnh sùng thường có sẵn nguồn ở trong đất nên khi canh tác trên diện rộng, tạo nguồn thức ăn lớn thì sẽ lây lan rất nhanh".

Để phòng trừ bệnh sùng, người dân cần xử lý đất thật kỹ trước khi xuống giống, bằng cách phơi khô đất để các sâu bệnh bị tiêu diệt.

Bên cạnh đó, trong quá trình cày xới đất, cần rải thuốc điều trị để xử lý nguồn bệnh trong đất.

Trong trường hợp người dân trồng khoai lang rồi mới phát hiện bệnh sùng, vẫn có thể dùng thuốc điều trị dứt điểm khi củ khoai còn nhỏ. Còn nếu để củ khoai lớn mới dùng thuốc sẽ rất khó xử lý.

“Để tiêu diệt tận gốc bệnh sùng trong đất thì người dân cần luân canh sang các cây trồng khác như đậu, bắp… trước khi trồng lại khoai lang. Vì hiện nay, chưa có giống khoai lang nào kháng được bệnh sùng xâm nhập vào củ, nên quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý đất bằng cách phơi khô đất, cải tạo lại đất thật kỹ trước khi trồng”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa khuyến cáo.

Trước thực tế trên, mới đây UBND huyện Phú Thiện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai về tình hình giá khoai lang sụt giảm mạnh. Huyện kiến nghị tỉnh kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp “giải cứu” khoai giúp bà con.

Bạn đang đọc bài viết "Gia Lai: “Thủ phủ” khoai lang “cầu cứu”" tại chuyên mục DIỄN ĐÀN.