Hải Phòng: Sứa rớt giá, tàu thuyền khai thác ngày càng teo tóp

05/04/2024 20:12

Vụ sứa này, giá sứa giảm xuống còn 15.000 đồng so với 28.000 đồng/con/vụ sứa năm 2023 khiến số tàu thuyền ra khơi bắt sứa ở quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, giảm hẳn.

Chiều muộn đầu tháng 4/2024, chúng tôi có mặt tại khu vực chế biến sứa ở Cảng cá Ngọc Hải trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Trái với quang cảnh nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” mỗi khi vào chính vụ sứa, năm nay, nơi đây khá vắng vẻ, đìu hiu.

Trò chuyện với Người Đưa Tin, chị Đỗ Thị Hải, ở phường Hải Sơn, cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do nghề chế biến sứa gặp nhiều khó khăn, quá 2/3 xưởng chế biến đóng cửa nên tàu thuyền ra khơi đánh bắt sứa giảm mạnh. Từ hơn 100 chiếc cách đây khoảng 10 năm, hiện chỉ còn chưa đến 10 chiếc.

Dân sinh - Hải Phòng: Sứa rớt giá, tàu thuyền khai thác ngày càng teo tóp

Những bể sứa muối mặn đã chín của gia đình chị Đỗ Thị Hải, ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, đang gặp khó khoản đầu ra.

Theo lời chị Hải, trước đây, mỗi khi mùa sứa về (vụ mùa từ tháng 2 đến tháng 5, vụ chiêm từ tháng 8 đến tháng 11), bà con ngư dân ở Đồ Sơn thường phải “treo” tàu vì tôm cá trên biển rất ít. Những người đi biển lâu năm cho rằng, tôm cá sợ chất nhớt do sứa tiết ra.

Khi đó, người dân Đồ Sơn cũng như một số vùng ven biển ở Hải Phòng, Thái Bình, chủ yếu chế biến sứa bằng cách muối chua với quả sú, quả vẹt, vỏ cây trang… Tuy nhiên, theo cách chế biến này, sứa không bảo quản được lâu, lượng tiêu thụ lại ít. Vì thế, mỗi vụ chỉ có một vài tàu ra khơi đánh bắt sứa cung cấp cho các cơ sở chế biến.

Khoảng năm 2000, khi phương pháp chế biến muối mặn được du nhập từ Trung Quốc về, sứa muối mặn tìm được đầu ra ổn định nhờ xuất khẩu, lên kệ tại các cửa hàng thực phẩm, siêu thị. So với sứa muối chua theo truyền thống, sứa muối mặn có lợi thế bảo quản được lâu, dễ chế biến thành một số món ăn ngon.

Từ là “cục nợ”, sứa bỗng vươn mình trở thành loại hải sản được ngư dân săn tìm. Các xưởng chế biến sứa ở khu vực Cảng cá Ngọc Hải ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, đua nhau mọc lên. Thời gian cao điểm, trên khu vực ven bờ dài hơn 200 m, có tới 14 xưởng chế biến sứa.

Để đáp ứng nhu cầu của các xưởng chế biến, cùng với mua sắm ngư cụ, ngư dân Đồ Sơn đóng thêm nhiều bè, mảng, tàu, thuyền để đánh bắt sứa. Với hơn 100 tàu, thuyền, bè, mảng chuyên đánh bắt sứa, mỗi khi chính vụ, khu vực Cảng cá Ngọc Hải thường xuyên trong cảnh tấp nập tàu thuyền vào ra.

Không chỉ giúp ngư dân địa phương có thêm nghề đánh bắt mới, mà các xưởng chế sứa muối mặn ở địa phương còn thu hút, giải quyết việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Dân sinh - Hải Phòng: Sứa rớt giá, tàu thuyền khai thác ngày càng teo tóp (Hình 2).

Trước đây, người dân ven biển Hải Phòng nói chung, quận Đồ Sơn nói riêng, chỉ biết muối sứa bằng sú, vẹt, trang. Nay, nhờ có phương pháp muối mặn, sứa trở thành loại hải sản có giá trị và phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Lưu Đình Dũng - Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, trước đây, các thương lái đến từ Trung Quốc cử công nhân kỹ thuật phụ trách muối sứa và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Chủ các xưởng thu mua sứa, thuê nhân công tách riêng thân, đầu rồi cắt nhỏ, cho vào máy quay làm sạch nhớt.

Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, các thương lái Trung Quốc rút công nhân kỹ thuật, ngừng thu mua sứa muối mặn hoặc thu mua hạn chế do nước bạn siết chặt quy định kiểm soát nhập khẩu, tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản, đóng gói hàng hóa.

Nghề sứa ở Đồ Sơn từ đó đến nay lao đao. Các xưởng chế biến sứa liên tục đóng cửa. Từ 14 xưởng, chính vụ sứa năm 2024 này, khu vực Cảng cá Ngọc Hải chỉ còn 3 xưởng với 9 tàu khai thác sứa.

Để tiếp tục duy trì nghề, các hộ còn lại, trong đó có hộ chị Đỗ Thị Hải, buộc phải tìm đầu ra nhờ các mối quen hay chào bán tại các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán ăn và qua bán hàng online. Tuy nhiên, đầu ra này không mấy ổn định khiến sản xuất liên tục bị thu hẹp.

Chị Hải cho biết, ngoài đầu ra không ổn định, những người làm nghề còn gặp khó khăn do chi phí chế biến sứa cao dẫn tới giá thành sản phẩm cao. Ngoài công chế biến sứa bằng khoảng 1/5 giá thu mua, giá muối hiện tại lên tới 26.000 đồng/kg (cao gấp hơn 2,5 lần so với giá muối ở Bàng La cùng quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng).

Vụ sứa này, do đầu ra khó khăn, cơ sở chế biến của chị Hải thu mua sứa với giá 15.000 đồng/con so với 28.000 đồng/con vụ sứa năm 2023. Trong khi đó, giá thuê nhân công chế biến 3.000 đồng/con.

Dân sinh - Hải Phòng: Sứa rớt giá, tàu thuyền khai thác ngày càng teo tóp (Hình 3).

Người làm nghề chế biến sứa ở Đồ Sơn mua muối từ Đà Nẵng với mức giá cao gấp hơn 2,5 lần so với giá muối ở địa phương.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lưu Đình Dũng - Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, để giữ nghề chế biến sứa qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, chính quyền phường Hải Sơn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề.

Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển nghề chế biến, đánh bắt sứa, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ hơn nữa của cấp trên trong tìm và bảo đảm nguồn đầu ra ổn định, nhất là đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí để có thể xuất khẩu trở lại.