Kỷ niệm 51 năm chiến thắng Long Bình (13/8/1972-13/8/2023): Một trận đánh bí mật, bất ngờ, đạt hiệu suất cao

16/08/2023 12:01

Tôi vinh dự được ra Hà Nội dự lễ Đoàn Đặc công 113 đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới ( Anh hùng lần thứ 3) được tổ chức trọng thể tại một vùng quê miền trung du Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lâu ngày gặp lại bạn bè, đồng chí thật vui vẻ và cảm động. Trong không khí dạt dào kỷ niệm ấy, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với đại tá Đỗ Văn Ninh, Anh hùng quân đội - nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Đặc công, từng có những năm tháng chiến đấu trên quê hương Biên Hòa trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

b1-td1a-1691892018.jpg

Ông Đỗ Văn Ninh thời điểm được phong anh hùng LLVTND năm 1978. Giữ vị trí Trung đoàn trưởng trung đoàn Đặc Công 113 ( Nay là Lữ đoàn Đặc Công bộ 113).

 

- Thưa anh Đỗ Văn Ninh, là một cán bộ có mặt từ ngày đầu Trung đoàn Đặc công 113 được thành lập, đề nghị anh cho bạn đọc biết về đặc điểm ra đời và chiến đấu của đơn vị? Đồng chí Đỗ Văn Ninh: sau 28 năm (1972 - 2000) giờ nghĩ lại thời gian nó đi qua thật là nhanh, nhanh hơn cả sự tưởng tượng của mình. Trung đoàn 113 ra đời ở ngã ba suối Bà Hào giữa Chiến khu Đ. Thời điểm ấy mới đầu tháng thứ 2 của mùa mưa theo lịch thời tiết ở Nam Bộ. Không khí núi rừng mát mẻ và khá dễ chịu, chim ríu ran, tắc kè kêu gióng giả, một âm thanh chộn rộn nghe đến là vui. Nếu không có những tiếng rít của lũ diều hâu Hoa Kỳ trên bầu trời và pháo bầy Tân Tây Lan đâu đó vọng tới, thì nơi đây tưởng chừng như thật là yên bình. Trước đó tôi là Tiểu đoàn trường Tiểu đoàn 9, nhiều năm đánh nhau với các loại sắc lính của Mỹ - ngụy trên chiến trường Bình Dương, Sông Bé, Bình Long, Phước Long... thì nhận lệnh cả đơn vị lật cánh về để sáp nhập vào đội hình Trung đoàn Đặc công 113. Bước chân tới đất Biên Hòa thì được đề bạt làm Tham mưu phó Trung đoàn. Anh em thường nói vui: phó! Có cũng như không. Chính tôi cũng hay tếu táo như thế và có khi hơn cả như thế đấy chứ.

b2td-at-ad-1691891926.jpg

Tổng kho Long Bình bị tập kích phá hủy cột khói bốc cao (Ảnh: tư liệu)

 

- Lính mà! Nói vậy chớ, mỗi cương vị có trách nhiệm cụ thể của mình theo sự phân công của tập thể chỉ huy. Trên cương vị là Tham mưu phó, tôi được Chính ủy - Bí thư Đảng uỷ Mai Văn Thoạn và Trung đoàn trường Nguyễn Thanh Tùng mời lên giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo bộ phận trinh sát nghiên cứu để đánh vào tổng kho Long Bình. Nhiệm vụ khái lược mang tính chất chung chung như vậy. Nhưng đi vào cụ thể để có hành động chính xác, hiệu quả là một quá trình dày công suy nghĩ.

b3td3a-1691892084.jpg

Thành Đô (bên trái) với Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Ninh ngày 01/11/2020 tại nhà riêng ở Bắc Ninh.

 

Long Bình là một khu kho liên hợp, rộng hàng chục ki-lô-mét vuông, được Mỹ đổ khá nhiều tiền của xây dựng kiên cố, dự trữ các loại hàng chiến lược phục vụ cho chiến trường ba nước Đông Dương, đặc biệt có ý nghĩa to lớn và trực tiếp đối với chiến trường miền Nam Việt Nam. Nên kho được bảo vệ rất cẩn mật với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để đột nhập vào bên trong rõ ràng không đơn giản. Nhưng không phải mình chịu bó tay! Song, lựa chọn cán bộ nào để đảm trách việc này là phải cân nhắc kỹ lưỡng, ngoài yếu tố ý chí quyết tâm còn phải sắc bén về kỹ thuật khắc phục chướng ngại vật. Sau một ngày, đêm đắn đo suy nghĩ, lòng tôi băn khoăn khó tả. Kể từ ngày vào chiến trường tới nay đã mấy năm, từ Phước Thành, Trảng Lớn, Bình Dương nhiều căn cứ hóc búa mà mình chưa hề chịu “chào thua” bao giờ. Trong chiến công chung của Tiểu đoàn 9 đều có phần đóng góp của bản thân mình là người đứng mũi, chịu sào, lẽ nào giờ đây? Ông bà mình thường ví: “Thức lâu mới biết đêm dài”. Nhưng với tôi cái đêm ấy lại quá ngắn mà hết sức ý nghĩa. Bởi nó đã giúp tôi tìm ra lời giải. Thế là tôi làm kế hoạch báo cáo với với các thủ trưởng trung đoàn, chọn phân khu 53 trong tổng kho Long Bình. Lý giải của tôi: rất có thể ở đó nó chứa bom các loại và thuốc nổ. Phá được khối lượng lớn bom, đạn, thuốc nổ ở đây, nó như một lời cảnh báo đối với kẻ thù và tính uy hiếp cũng rất lớn. Kế hoạch này được trên chấp thuận và cho phép triển khai. Sau 10 ngày phân chia các tổ bám sát, đột nhập, nghiên cứu đúng như nhận định ban đầu: khu vực tổng kho thật là đồ sộ, không thể chủ quan coi thường địch. Mật tập, phá khoá cửa kho để vào trong đặt lượng nổ là điều không dễ. Song, kỹ thuật này đã được huấn luyện ngoài Bắc. Cái khó thứ hai là bố phòng của địch. Chúng lắp đặt hệ thống ánh sáng cực mạnh. Bên cạnh nhiều lớp hàng rào, ánh sáng điện cao áp, lính tuần tra canh gác nghiêm ngặt, nhất là đội ngũ chó bắc giê sục sạo quanh kho. Bởi vậy, chúng tôi lại phải suy nghĩ động não để tìm biện pháp khắc phục loài chó nghiệp vụ này. Làm thế nào để “lót” được lực lượng vào để phá cửa kho? Nói phá nhưng thực chất là khắc phục vật cản này để luồn vào trong đặt lượng nổ là điều gay cấn nhất. Về lực lượng sử dụng có 54 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đánh là 36 người, chia làm ba mũi. Cả Trung đoàn lúc ấy chỉ có hai tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn pháo và số đại đội trực thuộc như: trinh sát, thông tin, quân y, vận tải. Thường vụ Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn cho phép chúng tôi tuyển chọn những đồng chí ý chí quyết tâm chiến đấu đặc biệt cao, kỹ chiến thuật tinh thông mới thực hiện được cách đánh này. Phương án tác chiến được Trung đoàn và Bộ Chỉ huy Miền phê duyệt chuẩn y. Trận đánh đạt kết quả như một giấc mơ vậy. Trên hệ thống thông tin Quân Giải phóng hồi ấy cũng như báo chí trên miền Bắc và các hãng của phương Tây đều thừa nhận một đòn giáng trả đích đáng ngay giữa sào huyệt quân thù: phá huỷ 150.000 tấn bom đạn, 200 tấn thuốc nổ (trữ lượng này có thể còn cao hơn), phá huỷ thêm một số phương tiện chiến tranh của chúng. Nguy hại hơn, do chấn động mạnh một số khá lớn bom đạn chưa bị phá hoại nhưng địch không dám sử dụng vì không biết nó có thể phát nổ lúc nào. Một tiểu đoàn lính ngụy bảo vệ kho, nhiều tên bị bỏ mạng. Các mũi tổ chức lui quân có trật tự ra ngoài phạm vi an toàn trước khi kho phát nổ. Chỉ có một đội viên tên Trần Xuân Thưởng, quê Thanh Hoá đi lạc đội hình nên bị địch bắt. Nhưng anh không hề khai báo gì, sau đó chúng đày ra đảo Phú Quốc, đầu năm 1973 được trao trả tại Lộc Ninh. Hiện Thưởng đang sống cùng gia đình vợ con tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sau trận đánh, tập thể được cấp trên tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Các cá nhân tham gia trực tiếp đều được tặng Huân chương Chiến công. Số phục vụ chiến đấu được tặng thưởng bằng khen. Kết quả của trận đánh đã cho chúng tôi những bài học về mặt chỉ đạo, chỉ huy, về học thuật của chiến đấu đặc công và cả về phương thức tác chiến ở một căn cứ lớn của địch, được phòng thủ rất vững chắc cả bề rộng lẫn chiều sâu của đối phương. Nếu mình có chuẩn bị tốt, quyết tâm cao đều hoàn toàn có thể tạo được thế chủ động, bất ngờ và tiến công giành chiến thắng. Cấp trên đánh giá đây là một trận đánh đạt hiệu suất cao. Một vấn đề nữa được rút ra là công tác tổ chức. Đó là đặt người chỉ huy và chiến đấu viên vào đúng vị trí. Nghĩa là phải thực hiện cho được: hai đúng ba đủ thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của từng cá nhân cũng như tập thể.

- Thưa đồng chí! Trong trận đánh ấy, với cương vị là người chỉ huy, vị trí đồng chí ở phạm vi nào để quán xuyến? Đồng chí Đỗ Văn Ninh: khi đang thời gian nghiên cứu chuẩn bị thì tôi có mặt ở tất cả ba mũi cùng với anh em. Còn khi thực hành đánh, tôi tổ chức khắc phục chướng ngại và đưa anh em vào rồi mới trở ra vị trí chỉ huy và cho người đón anh em trở ra khi đặt xong lượng nổ. Qua trận đánh, về phía chúng tôi nhận thấy, đây là trận đánh mật tập lớn nhất từ trước tới nay. Có thể nói đây là một bài học giúp thêm cho cấp trên về công tác chỉ đạo chỉ huy. Xin cảm ơn đồng chí

P/s: Sau 30 /4/1975 ông Đỗ Văn Ninh đảm nhiệm chưc vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công 113 ,ông tiếp tục chỉ huy trung đoàn tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đến năm 1982, ông trở thành Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công và đảm nhiệm vai trò này cho đến khi về hưu.Ngày 20 tháng 2 năm 2023, ông qua đời tại nhà riêng, thọ 84 tuổi.

Trái tim người lính