“Mưa vàng” trải thảm xanh cho Tây Nguyên

05/05/2024 05:00

Từ chiều ngày 3 đến sáng ngày 4-5, trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum xuất hiện mưa vừa trên diện rộng ở một số địa phương như: Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Đăk Glei và thành phố Kon Tum (Kon Tum); TP Pleiku, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ…(Gia Lai); Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột...(Đăk Lăk). Cơn “mưa vàng” đã thực sự giúp giải nhiệt cho vùng đất Tây Nguyên, giải tỏa áp lực chống cháy rừng ở các địa phương và đượ...

image-123650291-2024-05-04t091626732-1714789166.JPG Mưa trên phố núi Pleiku

Tại khu vực thành phố Pleiku (Gia Lai) cơn mưa bất ngờ đổ xuống vào khoảng 15,30’ngày 3-5 cho tời sáng ngày hôm sau. Lượng mưa khá lớn, nhưng “rất hiền hòa” không kèm theo gió lốc, sấm sét như các năm trước, khiến nhiều người đang lưu thông trên đường, nhất là số học sinh tan trường phải nhanh chóng tìm nơi trú. Trên các tuyến đường lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương…nước mưa chảy thành dòng. Mưa to kéo dài tầm một giờ, rồi sau đó nhỏ dần. Mưa đã mang đến sự mát mẻ dễ chịu, nhiều người dân đã tranh thủ ghi hình, chụp ảnh, quay clip ghi lại khoảnh khắc mưa để chia sẻ lên mạng xã hội với niềm vui, phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở TP Pleiku cho biết, đang chạy xe trên đường thì mưa bất ngờ đổ xuống khiến chị phải tấp vội vào một mái hiên trên đường tránh mưa, vì mưa đầu mùa thường có những cành cây khô rục hay bị gãy rớt xuống rất nguy hiểm. Do ở đây đã mấy tháng liên tục không có mưa, ngày ngày dưới cái nắng nóng gay gắt nên có mưa thấy thoáng mát, rất dễ chịu.

image-123650291-2024-05-04t091532926-1714789167.JPG Những vườn cà phê ở Tây Nguyên đang đón "mưa vàng"

Trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai), khoảng 16 giờ ngày 3/5, nhiều khu vực có mưa, nhiều nơi mưa to, có nơi lượng mưa khá lớn trong khoảng 30 phút, giúp thời tiết giảm nhiệt độ, nắng nóng bớt gay gắt, cây cối như “ chết đi sống lại”. Đây được xem là cơn mưa “vàng” giải nhiệt và cứu sống nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả thoát khỏi bị khô hạn, chết cháy. Trận mưa lớn cũng bổ sung nguồn nước đáng kể cho các hồ đập trên địa bàn đang dần bị khô cạn.

Cơn mưa này đã cứu cả vườn cà phê, cứu cả cuộc sống gia đình tôi và hàng ngàn gia đình ở đây, anh Nguyễn Văn Tân (ngụ tại xã Ia sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vui vẻ nói.

Người dân trồng cà phê vui mừng chưa được bao lâu khi cà phê vừa “được mùa được giá”, nhưng bước vào vụ mùa 2024-2025 hàng ngàn ha cà phê xơ xác vì thiếu nước, nắng hạn, nguy cơ bông trái rụng, mất mùa. Từ đầu năm đến nay trung bình người trồng cà phê đã tưới nước bốn lần, mỗi lần khoảng 5-7 triệu đồng/ha. Bước vào tháng 5 nhưng tiết trời vẫn nắng nóng, để cứu cây cà phê và nuôi hy vọng cho mùa sau, bà con đang chuẩn bị tưới lần 5, thì bất ngờ trời đỗ mưa. Mưa lúc này đã cứu hàng ngàn ha cà phê đang “ngất ngư, hấp hối”, đặc biệt là đã giúp bà con trồng cà phê tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tưới nước. Mưa với người nông dân lúc này thực sự là “vàng” quý hiếm. Nói rồi anh Tân cười rất vui.

1s-1714790065.jpg Những vườn sầu riêng ở Gia Lai đón "mưa vàng"

Chiều 3/5, tại Kon Tum, cơn mưa lớn đầu mùa xuất hiện tại các huyện, thành phố khiến người dân phấn khởi, giúp hạ nhiệt và cung cấp nước phục vụ sản xuất cho nông dân địa phương. Nhất là nguồn nước tưới cho cây trồng nói chung, cây cà phê nói riêng.

Ông Lê Bình, ở Đăk Hà (Kon Tum) cho biết, mấy ngày qua, do ảnh hưởng của hạn hán, nước trên các oa hồ cạn kiệt nên không đủ để bơm lên tưới cho cây trồng. Điều này khiến cho gia đình và người dân địa phương rất lo lắng. Cơn mưa hơn gần môt giờ hôm qua như “cứu cây trồng, nhất là cây cà phê ” nên người dân ai ai cũng phấn khởi.

Trận mưa đầu mùa trên diện rộng này đã giảm áp lực chống cháy rừng ở các địa phương nhất là những cánh rừng thuộc vùng biên giới của tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk. Đây là những vùng đang có cảnh báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn, lan nhanh.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng thủy văn - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thì đây là trận mưa dông đầu mùa có diện rộng nhất trong những tháng mùa khô đến nay. Cũng theo ông Huấn trong 1 và 2 ngày tới trên địa bàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum sẽ tiếp tục có những trận mưa dông. Sau đó, sẽ có một đợt nắng nóng nhẹ kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Sau thời gian này, các trận mưa sẽ tiếp tục quay trở lại với tần suất dày và lượng mưa lớn hơn.

image-123650291-2024-05-04t091640783-1714789166.JPG "Mưa vàng" cho Tây Nguyên thêm xanh

Sau cơn “mưa vàng”, đất trời chuyển mình dịu mát, những rừng cao su, cà phê xanh mướt trong tầm mắt. Cơn “mưa vàng” lần này đã thực sự cứu những cánh rừng, những vườn cà phê, cao su, hồ tiêu…Cơn mưa vàng đã trải lên một thảm xanh cây lá cho Tây Nguyên thêm hùng vĩ.

 

Bạn đang đọc bài viết "“Mưa vàng” trải thảm xanh cho Tây Nguyên" tại chuyên mục PHÁT TRIỂN.