Nga có cách mới gom tiền bán dầu bị mắc kẹt ở “quốc gia thân thiện”

10/05/2024 08:08

Đối với Nga, ngành dầu khí vẫn là “con bò sữa” giúp “hái” ra tiền cho ngân sách quốc gia, vốn bao gồm kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quân sự trong năm nay.

Doanh thu từ dầu mỏ của Moscow trong tháng 4 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm hạn chế dòng tiền tài trợ cho chiến dịch quân sự mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ở Ukraine, Bloomberg đưa tin hôm 6/5.

Doanh thu ngân sách Nga từ các khoản thuế liên quan đến dầu mỏ đã tăng lên 1.053 tỷ Rúp (11,5 tỷ USD) vào tháng 4/2024 so với gần 497 tỷ Rúp (5,4 tỷ USD) vào tháng 4/2023, theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu của Bộ Tài chính Nga. Theo dữ liệu, tổng doanh thu từ dầu khí của gã khổng lồ Á-Âu trong tháng 4 đã tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.230 tỷ Rúp.

Việc giá dầu thô của Nga tăng đã giúp thúc đẩy tăng thu ngân sách. Thuế nhà nước trong tháng 4 được tính dựa trên giá dầu thô Urals là 70,34 USD/thùng, tăng từ mức 48,67 USD/thùng cùng kỳ năm trước do sự suy giảm về tác động của biện pháp trần giá do G7 và EU áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Nga, dữ liệu từ Cục Thuế Liên bang Nga cho thấy.

Chắc chắn, đồng Rúp yếu hơn cũng góp phần vào tăng trưởng doanh thu: Việc tính thuế tháng 4 dựa trên tỉ giá hối đoái là 91,69 Rúp đổi 1 USD, trượt giá hơn 20,5% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Cục Thuế Liên bang Nga.

Thế giới - Nga có cách mới gom tiền bán dầu bị mắc kẹt ở “quốc gia thân thiện”

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay trong một cuộc gặp năm 2018. Ảnh: TASS

Đối với Nga, ngành dầu khí vẫn là “con bò sữa” giúp “hái” ra tiền cho ngân sách quốc gia, vốn bao gồm kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quân sự trong năm nay để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine hiện đã kéo dài sang năm thứ 3. Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng để bóp nghẹt nguồn thu của Điện Kremlin.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào lĩnh vực tài chính của Nga cũng hạn chế khả năng Moscow “hồi hương” lợi nhuận từ việc bán dầu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, trong trường hợp với Ấn Độ, thay vì thúc đẩy hoạt động gom lợi nhuận bị mắc kẹt từ việc bán dầu sang quốc gia Nam Á, Nga giờ chuyển sang sử dụng tiền này để đầu tư vào cổ phiếu và cơ sở hạ tầng tại quốc gia vốn là đồng minh thương mại thân cận của mình.

Cơ hội đầu tư

Ấn Độ đã tận dụng vị thế là một “quốc gia thân thiện” để mua dầu Nga với giá “hời” trong bối cảnh Moscow đang tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho những nơi bị đóng cửa bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

New Dehli cũng được phép thanh toán dầu bằng đồng Rupee nhưng phương thức này gặp phải vấn đề do các hạn chế của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, tức Ngân hàng Trung ương Ấn Độ) ngăn cản việc chuyển Rupee về Nga từ các tài khoản ngân hàng Ấn Độ.

Sau Trung Quốc, Nga đã trở thành nguồn nhập khẩu lớn thứ 2 của Ấn Độ. Quốc gia tỷ dân ở Nam Á đã mua hàng hóa trị giá 55,6 tỷ USD từ Nga trong năm 2023-2024 – tăng 37% so với cùng kỳ trước đó, trong đó nhập khẩu xăng dầu trị giá 46 tỷ USD chiếm phần lớn.

Thế giới - Nga có cách mới gom tiền bán dầu bị mắc kẹt ở “quốc gia thân thiện” (Hình 2).

Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, hưởng lợi khi mua được dầu Nga với giá rẻ. Ảnh: The Economist

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 5 năm ngoái cho biết rằng hàng tỷ Rupee đã bị mắc kẹt trong các ngân hàng Ấn Độ, và Moscow được cho là đang tìm cách chuyển một phần số tiền này về nước, có thể bằng cách chuyển đổi sang đồng Dirham của UAE hoặc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Ấn Độ đã đưa tin về một bước đột phá trong tình trạng bế tắc, nói rằng Nga hiện đang tìm cách đầu tư các khoản tiền bằng đồng Rupee chưa sử dụng vào Ấn Độ thông qua trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và các khoản vay.

“Về phía Nga, họ đã do dự trong việc gửi tiền của mình trong thời gian dài ở Ấn Độ”, ông Aditya Bhan, một chuyên gia có trụ sở tại Kolkata cộng tác với  tổ chức tư vấn toàn cầu độc lập Observer Research Foundation (ORF), cho biết.

“Nhưng giờ họ dường như đang ngày càng xem xét nghiêm túc hơn các cơ hội đầu tư ở Ấn Độ, đặc biệt là những cơ hội được chính phủ hỗ trợ”, ông Bhan nói với Newsweek hôm 8/5.

Trang Newsweek dẫn nguồn truyền thông Ấn Độ về vấn đề này. Ví dụ, tờ The Hindu đưa tin rằng Nga không còn tìm cách chuyển số dư Rupee tích lũy trong các ngân hàng Ấn Độ về nước nữa. Một nguồn tin nói với tờ nhật báo tiếng Anh này rằng thông qua sửa đổi các quy định của Đạo luật quản lý ngoại hối của Ấn Độ (FEMA), RBI “đã tạo điều kiện cho các thực thể Nga đầu tư vào nhiều kênh mà nước này đã bắt đầu tận dụng tối đa”.

Biện pháp ngắn hạn

Tờ Hindustan Times đưa tin, Nga đã sử dụng đồng tiền Ấn Độ để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, các chương trình cơ sở hạ tầng. Tờ nhật báo tiếng Anh của Ấn Độ dẫn nguồn thạo tin cho biết rằng “hầu hết số Rupee tích lũy ở Ấn Độ đã được sử dụng và đây không còn là vấn đề nữa”.

Trong khi đó, tờ Deccan Herald đưa tin, các khoản tiền bằng đồng Rupee của Nga có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp đồng quốc phòng, đặc biệt là cho phép chuyển giao 2 hệ thống phòng không S-400 Triumf còn lại của Nga cho Ấn Độ theo thỏa thuận trị giá 5,5 tỷ USD vào năm 2025.

Nhưng những khoản đầu tư này có thể chỉ là biện pháp ngắn hạn. “Tại một thời điểm nào đó, cả hai bên sẽ làm việc hướng tới các cơ chế cho phép hồi hương lợi nhuận. Người Nga đặc biệt muốn điều đó sớm hơn bất kỳ ai khác”, chuyên gia Bhan của ORF nói.

Thế giới - Nga có cách mới gom tiền bán dầu bị mắc kẹt ở “quốc gia thân thiện” (Hình 3).

Ấn Độ chi 5,5 tỷ USD mua 5 hệ thống phòng không S-400 của Nga, nhưng mới nhận được 3 hệ thống. Sau khi các vấn đề về thanh toán được giải quyết, dự kiến phía Nga sẽ bàn giao nốt 2 hệ thống còn lại vào năm 2025. Ảnh: India Today

“Nếu không có khả năng rõ ràng hoặc kỳ vọng từ phía Nga rằng cơ chế như vậy sẽ thành hiện thực, tôi chắc chắn rằng họ sẽ không sẵn sàng đầu tư lớn”, ông Bhan nói thêm. “Sự chấp nhận đó là ở một thời điểm nào đó mọi thứ sẽ thay đổi và dần dần được cải thiện về khả năng chuyển tiền về nước hoặc tiền thu được từ các khoản đầu tư khác nhau”.

Xuất khẩu dầu của Ấn Độ với Nga đã phải đối mặt với những vấn đề khác sau khi phương Tây áp đặt mức giá trần 60 USD cho việc bán dầu Nga vận chuyển bằng tàu biển, điều mà Moscow đã “né” được nhờ “hạm đội bóng tối”.

Hồi tháng 1, có thông tin cho rằng gần 5 triệu thùng dầu thô loại Sokol của Nga đã không đến được Ấn Độ và một chuyến hàng đã bị đình trệ trong hơn một tháng.

Tuy nhiên, The Hindustan Times đưa tin, Moscow cũng đặt mục tiêu đảm bảo dầu thô vẫn được cung cấp cho Ấn Độ bất chấp các lệnh trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lên Tập đoàn vận tải biển lớn nhất của Nga là Sovcomflot và 14 tàu chở hàng lỏng của hãng này. Các nguồn tin cho biết, Moscow sẽ lo việc bảo hiểm cho các tàu chở dầu của mình và không phụ thuộc vào các công ty phương Tây.

“Nga tiếp tục là nguồn cung dầu quan trọng cho Ấn Độ, và ít nhất là trong tương lai gần, điều đó sẽ không thay đổi”, chuyên gia Bhan kết luận.

Minh Đức (Theo Newsweek, Bloomberg)