Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn "mắc lại" trên dòng Như Ý

07/04/2024 00:10

Nguyện vọng cuối đời chưa thành của lão ngư phủ già Võ Văn Thứ - chủ nhân “ốc đảo” trên sông Như Ý (TP.Huế).

Người vạn đò còn “mắc kẹt”  trên sông Như Ý

Có lẽ ai cũng vậy, khi đã sống đến cái tuổi ngoài 80 “xưa nay hiếm”, ai cũng muốn có một mái nhà an cư để một khi "nhắm mắt xuôi tay" còn có nơi để con cháu dựng bàn thờ hương hoả. Nhưng với lão ngư phủ già Võ Văn Thứ (84 tuổi), người vạn đò còn sót lại trên dòng sông Như Ý (TP.Huế) ý nguyện đó nghe có vẻ còn khó lắm.

Trong quá trình tìm hiểu về số phận của bãi đất bồi trên sông Như Ý - mà người dân Huế vẫn xem như là một “ốc đảo” sẽ như thế nào khi dự án đường đi bộ sát đó đang dần hoàn thiện, người viết đã được nghe câu chuyện toàn màu bi thương của lão ngư phủ  tội nghiệp ấy.

Lão chính là chủ nhân của “ốc đảo” trong bài viết “Số phận chưa hồi kết của “ốc đảo” trên sông giữa lòng phố thị Huế” đã được Người Đưa Tin đăng tải trước đó.

Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý
Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý (Hình 2).

"Ốc đảo" trên sông Như Ý rồi sẽ ra sao khi dự án đường đi bộ ven sông hoàn thiện?

Giữa tiết trời nắng nóng đầu hạ, trong căn nhà cấp bốn lợp tôn không màu sơn ở xóm 6, tổ dân phố Ngọc Anh, phường Phú Thượng (TP.Huế), lão Thứ dáng người gầy gò đang ngồi trên chiếc giường xập xệ, lỉnh kỉnh đồ đạc, tay run rẩy vấn lại chiếc dây cột nắp ấm trà. Dưới bếp, vợ lão bà Nguyễn Thị Hiếm (71 tuổi) ngồi bó gối trên nền nhà hướng mắt nhìn ra mảng sân nhà không có tường rào hay một cửa cổng.

Thấy có người bước vào, bà vội ngồi dậy, vỗ vỗ lão Thứ ý là nhà có khách.  “Ông tai bị lãng rồi, nói nhỏ không nghe được mô”, bà Hiếm khẽ nói.

Dù tai bị lãng nhưng thanh từ của lão Thứ khi nói chuyện nghe còn minh mẫn lắm. Qua lời kể rất trình tự về thời gian, ngắn gọn về nội dung, câu chuyện về nguồn gốc hình thành “ốc đảo” và số phận trầm luân chưa một hồi kết có hậu của lão hiện lên với người nghe một cách mồn một.

Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý (Hình 3).

Vẻ thiện lương của lão ngư phủ già Võ Văn Thứ.

Lão kể, lão sinh ra trên con ghe, bởi cha mẹ lão vốn là những người dân vạn đò đời sống gắn liền với ghe thuyền neo đậu hàng ngày dọc con sông Như Ý.

Trước những năm giải phóng, khu vực “ốc đảo” hiện tại chỉ là một bãi bồi phù sa, mực nước lấp xấp ngang bụng. Lênh đênh trên sóng nước bao đời, cha lão là cụ Võ Văn Đồng thấy vậy, đã quyết định bồi đắp thêm khu vực đất ấy với ý định dựng mái lều làm nơi để thờ gia tiên và Thánh Mẫu.

Lão Thứ vẫn nhớ những ngày cha lão vất vả dùng cọc bằng cây liễu để đóng cừ cố định nền cát, rồi dùng thuyền chở hàng trăm chuyến đá từ trên thượng nguồn sông Hương về bồi đắp cho khu đất. Để rồi, trời không phụ lòng người, sau nhiều năm, nhờ bồi đắp thành gò mà phù sa tích tụ, bãi đất lúc ấy diện tích cứ ngày một lớn dần.

“Cát tích tụ có lúc bãi bồi dài đến tận cầu Vỹ Dạ hiện tại. Tôi còn nhớ, cha mẹ tôi vẫn trồng cả ngô, khoai trên ấy. Sau năm giải phóng thì người dân hút cát nhiều nên giờ chỉ còn bãi bồi trên nền đá rộng khoảng 200m2 như bây giờ”, lão Thứ nhớ lại.

Thời điểm sau khi cha mẹ lão lên “ốc đảo” sống, chàng thanh niên Thứ sau khi đến tuổi lập gia đình cũng đóng được cái ghe mới rồi cưới vợ. Sau hai vợ chồng đẻ được 4 người con và cũng sống lênh đênh trên sông nước cậy nhờ vào con cá, con tôm.

Biến cố cuộc đời với lão có lẽ là vào lúc tuổi trung niên, vợ lão bị bệnh nặng rồi mất. Thương con trai cảnh gà trống nuôi con trên chiếc ghe mục nát, cụ Võ Văn Đồng đã cho lão Thứ và các cháu về sống nương nhờ trong mái nhà tranh được dựng trên bãi bồi.

Trải qua nhiều năm, cả gia đình 3 thế hệ sinh sống trên “ốc đảo”, đến năm 1993 thì cụ Võ Văn Đồng đã lập bảng thuận định thừa kế để ủy quyền giao cho cháu nội - con trai đầu của lão Thứ là ông Võ Văn Hướng ở và chịu trách nhiệm hương khói, thờ phụng và sử dụng khu đất.

Bên chén trà pha đậm, ngư phủ già Võ Văn Thứ với đôi mắt vẻ già nua đượm buồn kể, cha mẹ lão dù nghèo khổ nhưng đẻ rất nhiều con. Lão Thứ là con trai trưởng, sau lão còn có những người em mà đến giờ lão cũng không nhớ nổi đầy đủ tên tuổi, chỉ biết thứ tự là: Thứ, Hiền, Hến, Xê, Vê, Dê, Điệp… Đáng thương thay, các em của lão cũng mất gần hết vì bệnh tật và tai nạn sông nước.

Bản thân lão cũng mất đi người con trai là ông Hướng vì gặp phải tai nạn lật ghe vào năm 1999.

Sau này, để có người bầu bạn lúc về già, lão “đi thêm bước nữa” với bà Nguyễn Thị Hiếm và sinh thêm một người con trai.

Nhiều năm sinh sống, thờ phụng trên “ốc đảo”, cả gia đình lão Thứ ngày nắng thì nương tựa vào nghề đánh cá, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, ngày mưa bão thì cậy nhờ vào bà con lối xóm sống dọc bờ sông.

Đến năm 2001, khi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có chủ trương di dời những người dân vạn đò lên đất liền ở, dù gia đình lão thuộc diện đối tượng di dời nhưng không hiểu vì sao thời điểm ấy, lão không được cấp đất hay chỗ ở!?

Ước nguyện cuối cùng…

Khi những người dân vạn đò dọc dòng Như Ý đã ổn định cuộc sống trên bờ, gia đình lão Thứ vẫn phải sống chênh vênh trên “ốc đảo”. Cảm nhận cái tuổi đã đến cửa “gần đất xa trời”, với nguyện vọng muốn đứa con trai út sau này không phải lênh đênh sông nước như mình, sau đó, lão Thứ đã nhiều lần viết đơn gửi các cấp chính quyền để xin được lên bờ cấp đất ở, tuy nhiên vẫn không được.

Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý (Hình 4).
Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý (Hình 5).
Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý (Hình 6).

Những lá đơn cứu xét mang theo ước nguyện lão Thứ còn lưu lại cẩn thận.

Đến năm 2023, khi dự án đường đi bộ ven sông Như Ý bắt đầu thi công, không chịu nổi những tiếng đóng cọc bê-tông rùng đất, chát chúa inh ỏi, lão và vợ cùng con trai út buộc phải về sống nhờ nhà của cậu em trai bên ngoại ở xóm 6, tổ dân phố Ngọc Anh, phường Phú Thượng hiện tại. Những ngày lễ Rằm, mùng Một, lão chỉ chèo thuyền ra “ốc đảo” để hương khói.

Cuối năm 2023, khi nghe tin UBND TP.Huế có chủ trương chỉnh trang lại “ốc đảo” để phù hợp với không gian đô thị, lão cùng con trai có lên họp với các ban ngành và đồng ý với chủ trương của Nhà nước.

“Chủ trương của Nhà nước tôi đồng ý. Cả cuộc đời gắn với khu đất để thực hiện di nguyện trông coi nơi thờ tự của cha mẹ, tôi chỉ có nguyện vọng, khi dời đi, chính quyền địa phương sẽ đền bù thoả đáng để tôi có thể có một mảnh đất dựng lại nhà thờ tổ tiên và đền thờ Thánh Mẫu như những gì cha mẹ để lại. Lúc ấy, tôi có ra đi thì cũng yên lòng…”, lão Thứ rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Theo tìm hiểu, lão Thứ là hộ nghèo lâu nay đăng ký thường trú ở phường Vỹ Dạ (TP.Huế). Tuy nhiên, khu “ốc đảo” lại thuộc đất của phường Phú Hội nên lão chỉ đăng ký tạm trú tại đây. Dù vậy, câu chuyện về nguồn gốc hình thành “ốc đảo”, cũng như số phận của ông Võ Văn Thứ, chính quyền UBND phường Phú Hội (TP.Huế) đều nắm.

Tại buổi trao đổi với PV, lãnh đạo UBND phường Phú Hội thông tin, thửa đất “ốc đảo” của lão Thứ có họa đồ lô đất do Ty điền địa Thừa Thiên cấp ngày 24/8/1970. Trên bản đồ địa chính hiện tại, khu đất này thuộc bản đồ 202, thửa đất số 75, tờ bản đồ số 9, loại đất thổ cư do ông Võ Văn Hướng (đã mất) đăng ký sử dụng.

Lãnh đạo UBND phường Phú Hội cho hay, UBND phường đã có báo cáo về nguồn gốc đất, cũng như nguyện vọng của lão Thứ gửi UBND TP.Huế. Tuy nhiên, việc cấp đất ở cho lão Thứ còn vướng nhiều quy định, hiện phường cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của thành phố.

Dân sinh - Nguyện vọng chưa thành của lão ngư phủ già còn 'mắc lại' trên dòng Như Ý (Hình 7).

Hai vợ chồng đứng cửa tạm biệt PV.

Và trong lúc chờ chỉ đạo mới, sức khoẻ của lão Thứ cũng đang yếu dần đi. Qua những đơn thuốc, bệnh án vợ lão đưa thì trên người lão đủ thứ bệnh về phổi, khớp, viêm da… Hằng ngày, tiền thuốc thang của lão trông cả vào số tiền làm thuê nem chả ít ỏi của bà Hiếm. 

Khi những lá đơn gửi đi mang theo nguyện vọng còn dang dở, bà Hiếm lo lắng chia sẻ, cậu em cho ở nhờ tới đây sẽ sửa và lấy lại nhà để cưới con nên cả hai ông bà cũng đang loay hoay không biết phải như thế nào.

Đoạn ra về, nhìn thấy hai vợ chồng vẫn đứng ở cửa cùng ánh mắt mang hi vọng hướng theo người viết, cảnh ấy trông thật nhiều thương cảm. Thương lão ngư phủ già bao năm tần tảo, cả cuộc đời trầm luân gắn với sông Như Ý- dòng sông nghe cái tên tưởng như mọi sự ước nguyện chân thành đều có thể đạt được, nhưng sao ước nguyện của lão Thứ thấy còn chông chênh quá…

Lê Kông