Quảng cáo #38

Nông thôn mới - Không chỉ là những con đường bê tông

Nông thôn không chỉ cội nguồn của mỗi người Việt, mà còn là điểm tựa để bứt phá tương lai. Sau hơn một thập kỷ, nông thôn mới đã thay da đổi thịt, nhưng điều quan trọng hiện nay là xây dựng những mô hình sống, kinh tế và giá trị mới từ chính mảnh đất này.

Nông thôn không chỉ là miền ký ức, là cội nguồn của mỗi con người Việt Nam, mà còn là điểm tựa cho sự phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Hơn một thập kỷ qua, chương trình xây dựng Nông thôn mới đã thắp lên diện mạo tươi sáng ở hàng chục ngàn thôn xóm trên cả nước. Song, điều chúng ta cần nhấn mạnh lúc này là: nông thôn mới không thể chỉ dừng lại ở những con đường bê tông thẳng tắp hay mái nhà khang trang. Đó phải là nơi khởi sinh của những mô hình sống mới - kinh tế mới - giá trị mới.

Từ mảnh ruộng nghèo đến miền đất hứa

Chặng đường gần 15 năm của chương trình xây dựng nông thôn mới là minh chứng rõ rệt cho nỗ lực chuyển mình của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện toàn diện, hơn 75% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhưng đổi thay quan trọng hơn cả là sự chuyển biến trong tư duy của người nông dân, người nông dân hôm nay không chỉ biết trồng cấy “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà đã biết làm kinh tế, biết liên kết sản xuất, có tầm nhìn xa và làm chủ tương lai. Người nông dân không còn trồng cây vì thói quen, mà vì hiểu thị trường; không còn bán nông sản thô, mà đã biết chế biến, đóng gói, gắn thương hiệu OCOP và chỉ dẫn địa lý. Ở nơi nào có người trẻ dám quay về khởi nghiệp từ ruộng đồng với tri thức và tinh thần đổi mới, ở đó bừng lên một tương lai khác cho nông thôn.

nong-thon-lua-1751470935.jpg
Nông dân Việt Nam thu hoạch lúa trong vụ mùa (Ảnh: Khánh Linh)

Xây nền vững chắc cho phát triển toàn diện

Để nông thôn phát triển bền vững, điều tiên quyết là bảo vệ quỹ đất nông nghiệp. Đất canh tác phải được quy hoạch ổn định, tránh tình trạng manh mún, chia cắt và xâm lấn. Khi người dân có quyền và niềm tin vào mảnh đất mình làm chủ, họ mới yên tâm đầu tư phát triển dài hạn vào cây, con chủ lực theo mô hình khoa học, an toàn, minh bạch và truy xuất được nguồn gốc.

Đồng thời, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn đang từng bước khẳng định hiệu quả. Đây là hướng đi tất yếu cần được mở rộng để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam nhằm chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới.

Bên cạnh đó, nếu nông nghiệp là cái gốc, thì thủ công mỹ nghệ chính là phần hồn của làng quê. Nơi nào còn những bàn tay khéo léo dệt chiếu, nặn gốm, thêu tay, làm đèn giấy, tranh kính, nơi đó còn văn hóa, còn bản sắc, còn “tự hào làng nghề”.

Để những ngành nghề truyền thống ấy không bị mai một, cần có chiến lược hồi sinh bằng cách kết hợp giữa bản sắc văn hóa và tư duy thiết kế hiện đại, hỗ trợ cơ giới hóa, kết nối thị trường và ưu đãi tín dụng. Sản phẩm làng nghề phải bước ra khỏi lũy tre làng, có mặt trong các boutique quốc tế, các gian hàng du lịch, trung tâm OCOP cấp vùng, như một thông điệp văn hóa sống động và đầy bản lĩnh của nông thôn Việt.

nong-thon-2-1751471042.jpg
Lãnh đạo và đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP (Ảnh: Quyết Tuấn)
nong-thon-1-1751471675.jpg
Các nghệ nhân và nhà thẩm định trao đổi về sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Ảnh: Quyết Tuấn)

Du lịch làng quê - không chỉ là trải nghiệm, mà là nguồn lực phát triển

Mỗi miền quê đều có thể trở thành một điểm đến du lịch đặc sắc nếu biết trân trọng, gìn giữ bản sắc, tổ chức dịch vụ chu đáo và kể câu chuyện văn hóa một cách sống động, hấp dẫn: một chén chè xanh đầu ngõ, chiếc bánh lá truyền thống, mái đình cổ kính giữa vườn cau xanh mát,… Những trải nghiệm tưởng chừng đơn sơ ấy lại có sức hút đặc biệt trong thời đại con người đi tìm sự chân thực và bình yên.

Tuy nhiên, muốn làm du lịch nông thôn bền vững cần phải có quy hoạch bài bản, sản phẩm rõ ràng, nguồn nhân lực địa phương được đào tạo và gắn chặt với giá trị văn hóa, sinh thái, nghề truyền thống. Đó không chỉ là nguồn thu nhập mới, mà còn là cơ hội để người dân - hướng dẫn viên địa phương kể câu chuyện quê hương mình bằng chính giọng nói, nụ cười và niềm tự hào.

nong-thon-5-1751471197.jpg
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh giới thiệu quy trình sản xuất và ứng dụng của tranh kính nghệ thuật Vinhcoba (Ảnh: Quyết Tuấn)
nong-thon-4-1751471379.jpg
Nghệ nhân giới thiệu sản phẩm tranh kính thủ công đến khách du lịch quốc tế (Ảnh: Quyết Tuấn)

Liên kết đa ngành: Làm nông không chỉ bằng đôi tay

Một nền nông nghiệp hiện đại không thể tách rời công nghiệp hỗ trợ. Các cụm công nghiệp nông thôn cần được hình thành dựa trên lợi thế vùng, tạo việc làm cho lao động địa phương dư thừa và phát triển nguyên tắc kinh tế xanh - sạch - tuần hoàn.

Các ngành như chế biến sâu nông sản, cơ khí nông nghiệp, sản xuất dược liệu, vật liệu sinh học,… hoàn toàn có thể triển khai nếu được hỗ trợ mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, chính sách thu hút đầu tư và tín dụng ưu đãi. Đây là cách để giữ người ở lại quê, thay vì rời làng ra phố.

Một sản phẩm nông thôn ngày nay không chỉ cần chất lượng tốt mà còn phải đẹp về hình thức, giàu giá trị văn hóa và có câu chuyện thương hiệu rõ ràng. Muốn vậy, cần sự phối hợp giữa nông dân với các nhà thiết kế, kỹ sư công nghệ, chuyên gia tài chính, nghệ nhân và người làm truyền thông.

Các nguồn vốn như ODA, tín dụng xanh, quỹ bảo lãnh, ngân hàng chính sách… cần ưu tiên cho các dự án nông nghiệp thông minh, du lịch xanh, làng nghề sáng tạo và khởi nghiệp nông thôn. Đó là cách để biến ý tưởng thành giá trị, để mỗi sản phẩm quê hương mang trong mình hình ảnh một đất nước biết làm nông với lòng tự trọng và trí tuệ.

Chúng ta xây dựng nông thôn mới không chỉ để đổi thay dáng dấp làng quê, mà là để làm mới tư duy phát triển, để người nông dân sống tốt trên mảnh đất mình gắn bó, nơi con người không bị bỏ lại phía sau, nơi sự giàu có không tách rời bản sắc, nơi người trẻ có lý do để ở lại và cống hiến.

Muốn đất nước hùng cường thì nông thôn phải thịnh vượng. Muốn xã hội bền vững thì nông thôn phải giữ được hồn quê. Và muốn những thế hệ mai sau tự hào, thì hôm nay chúng ta phải đi đúng hướng bằng hành động, bằng chính sách thiết thực, bằng sự đồng lòng từ trung ương đến tận thôn làng.

Bởi vì nông thôn chính là nơi khởi đầu và cũng là nơi đi tới.
 

Hồng Vinh