Thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng về nước ngày càng trầm trọng

11/04/2023 12:01

Tình trạng khan hiếm nguồn nước hay căng thẳng về nước đã khiến hàng tỷ người trên toàn cầu hiện nay khó có thể tiếp cận nguồn nước sạch.

Hàng tỷ người trên thế giới đang thiếu quyền tiếp cận đầy đủ tới một trong những yếu tố không thể thiếu của cuộc sống: nước sạch.

Mặc dù, chính phủ các nước và những tổ chức cứu trợ đã nỗ lực giúp đỡ những người sống tại các khu vực khan hiếm nước hay căng thẳng về nước có thể tiếp cận nguồn nước sạch, song vấn đề khan hiếm nước sạch được dự báo nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số.

Căng thẳng về nước có thể dẫn tới những thiệt hại nặng nề, bao gồm sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu. Thậm chí, nó còn thúc đẩy di cư và gây ra xung đột. 

Vậy, căng thẳng về nước là gì?

Căng thẳng hoặc khan hiếm nước xảy ra khi nhu cầu về nước có thể sử dụng được và an toàn trong một khu vực nhất định vượt quá nguồn cung.

Về phía nhu cầu, lượng lớn nước ngọt trên thế giới (khoảng 70%) được sử dụng cho nông nghiệp, trong khi phần còn lại được phân chia cho mục đích công nghiệp (19%) và sinh hoạt (11%).

Về phía nguồn cung thì có 2 nguồn chủ yếu là nước bề mặt như sông, hồ, đập chứa nước và nước ngầm. 

Thế giới - Thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng về nước ngày càng trầm trọng

Khan hiếm nước sạch được dự báo nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số. (Ảnh: Reuters).

Có 2 dạng khan hiếm nước, đó là khan hiếm tự nhiên khi nguồn nước bị thiếu hụt do điều kiện sinh thái của địa phương và khan hiếm kinh tế khi cơ sở hạ tầng nước chưa đầy đủ.

Hai vấn đề trên thường xuyên xảy ra cùng nhau sẽ gây ra tình trạng căng thẳng về nước. Ví dụ, ở những nơi căng thẳng về nước, sự khan hiếm nước xảy ra khi lượng mưa ít đi (khan hiếm tự nhiên) và thiếu các công trình dự trữ nước (khan hiếm kinh tế).

Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù các nguyên nhân tự nhiên gây ra tình trạng căng thẳng về nước nghiêm trọng ở một khu vực, thì các yếu tố con người vẫn được coi là trung tâm của vấn đề, đặc biệt là liên quan đến việc tiếp cận nước sạch và hệ thống vệ sinh an toàn.

Đơn cử, tại Oman và tây nam nước Mỹ - những khu vực bị khan hiếm nước, việc phát triển các cơ sở hạ tầng nguồn nước đã giúp những nơi này giải quyết được tình trạng căng thẳng về nước, tạo điều kiện phát triển cuộc sống.

Những nơi nào bị ảnh hưởng nhất về khan hiếm nước?

Theo các chuyên gia, khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự căng thẳng về nước ở dạng khan hiếm tự nhiên.

So với các khu vực khác trên thế giới, hai nơi này ghi nhận lượng mưa trung bình hằng năm thấp hơn nhiều trong khi những quốc gia trong 2 khu vực nói trên đang có xu hướng mở rộng các trung tâm đô thị với dân số không ngừng gia tăng, đặt ra áp lực hơn nữa lên nguồn nước. 

Tuy vậy, những nước giàu có hơn ở hai khu vực trên vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước cho người dân của họ. Ví dụ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhập khẩu gần như toàn bộ lương thực, qua đó làm giảm nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp.

UAE và một số nước trong khu vực cũng phụ thuộc rất nhiều vào quá trình khử muối trong nguồn nước biển để tạo ra nước ngọt, mặc dù quá trình này đòi hỏi rất nhiều năng lượng và tốn kém.

Thế giới - Thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng về nước ngày càng trầm trọng (Hình 2).

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự căng thẳng về nước. (Ảnh: UNICEF).

Trong khi đó, những nơi chịu tác động của căng thẳng về nước ở dạng khan hiếm kinh tế bao gồm các quốc gia Trung Phi như Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi có nhiều mưa nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp và chịu sự quản lý yếu kém ở mức độ cao.

Ngay cả các quốc gia có thu nhập cao cũng gặp phải tình trạng căng thẳng về nước. Các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng lạc hậu và gia tăng dân số nhanh chóng đã gây áp lực lớn lên một số hệ thống nguồn nước ở những nơi này.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết, cứ mỗi mức tăng 1 độ C của nhiệt độ trung bình toàn cầu thì nguồn nước có thể tái tạo được sẽ giảm đi 20%.

Sự nóng lên toàn cầu sẽ làm mở rộng các khu vực chịu căng thẳng về nước cũng như làm gia tăng căng thẳng lên những khu vực vốn đang chịu tác động nghiêm trọng của việc khan hiếm nước.

Tác động tới sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế

Căng thẳng về nước trong một thời gian dài không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng mà còn tác động tới sự phát triển của nền kinh tế.

Hơn 2 tỷ người trên toàn cầu không tiếp cận được nguồn nước an toàn và gần một nửa dân số thế giới không tiếp cận được các dịch vụ vệ sinh an toàn. Điều này dẫn tới sự lây truyền các bệnh như tả, thương hàn, bại liệt, viêm gan A và tiêu chảy.

Thế giới - Thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng về nước ngày càng trầm trọng (Hình 3).

Trẻ em có nhiều nguy cơ mắc các bệnh do căng thẳng nguồn nước. (Ảnh: UNICEF).

Bên cạnh đó, khan hiếm nước làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn hơn, từ đó đe dọa tới an ninh lương thực của toàn cầu. Nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu thách thức lớn nhất từ sự căng thẳng về nước.

Nông nghiệp bị ảnh hưởng khi lượng mưa trở nên khó lường hơn và nhiệt độ tăng khiến tốc độ bốc hơi nước từ đất nhanh hơn. Khí hậu thất thường hơn cũng được cho là sẽ gây ra nhiều đợt lũ lụt hơn, khiến mùa mạng bị thất thu và các cơ sở hạ tầng dự trữ nước bị quá tải.

Sự thiếu hụt lương thực sẽ dẫn tới nạn đói cấp tính và mãn tính, đặc biệt trẻ em có nhiều nguy cơ mắc các bệnh do suy dinh dưỡng gây ra, cũng như các bệnh mãn tính do chế độ ăn uống thiếu thốn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi một số khu vực hiện đang gặp căng thẳng về nước có khả năng tiếp cận ổn định với nước sạch thì họ vẫn phải tốn rất nhiều thời gian để đi tới nơi có nguồn nước và xếp hàng để lấy nước, thời gian mà lẽ ra họ có thể dùng cho công việc hay đi học.

Chính điều này khiến cho năng suất làm việc giảm đi, kéo theo phát triển kinh tế chậm lại.

Đại dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu tiếp cận nước an toàn. Rửa tay là một trong những trong biện pháp cần thiết để đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý rằng cứ 10 người thì có 3 người không có nước tại nhà để rửa tay.

Các giải pháp giải quyết vấn đề

Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn nước, vốn tác động trực tiếp và tức thì tới sinh kế của nhân loại.

Bảo đảm tính khả dụng và quản lý bền vững nguồn nước, dịch vụ vệ sinh cho tất cả mọi người là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Liên Hợp Quốc cũng gọi quản lý nguồn nước là “thành phần thiết yếu của gần như tất cả các chiến lược giảm thiểu và thích ứng”, đồng thời cảnh báo về sự yếu kém ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng nước thông thường và đưa ra nhiều giải pháp thay thế xanh. Chẳng hạn như hồ chứa ven biển và hệ thống nước chạy bằng năng lượng mặt trời.

Thế giới - Thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng về nước ngày càng trầm trọng (Hình 4).

Quản lý bền vững nguồn nước là một trong những trọng tâm của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: UNICEF).

Dù vậy, hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ toàn cầu nào để giải quyết tình trạng căng thẳng về nước, tương tự như khuôn khổ chống biến đổi khí hậu hoặc bảo tồn đa dạng sinh học.

Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về nước được tổ chức vào tháng 3/2023, mặc dù là hội nghị đầu tiên kể từ năm 1997, song một khuôn khổ quốc tế vẫn chưa được đưa ra.

Thay vào đó, Hội nghị thượng đỉnh đã thiết lập vị trí Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về nước và chứng kiến hàng trăm chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp ký kết Chương trình hành động vì nước mà các nhà phân tích gọi là một bước quan trọng nhưng không đủ so với một thỏa thuận ràng buộc giữa các chính phủ trên thế giới.

Một số chính phủ và các tổ chức liên quan đã đạt được tiến bộ trong việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ nước. Từ năm 2000 đến năm 2017, số người sử dụng nguồn nước an toàn và các dịch vụ vệ sinh đã tăng từ 10% lên 17%.

Tuy nhiên, tốc độ nhanh chóng của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức mới khi giờ đây, nhiều quốc gia cho biết họ khó có thể triển khai các hệ thống quản lý nước tổng hợp vào năm 2030, thời điểm hoàn thành mục tiêu SDGs (Mục tiêu phát triển bền vững).

Trong khi đó, nhiều nước đang thực hiện các bước đi đầy tham vọng và sáng tạo nhằm cải thiện an ninh nguồn nước và có thể trở thành hình mẫu cho các nước khác học hỏi.

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng xanh. Peru quy định, các công ty cấp nước tái đầu tư một phần lợi nhuận của họ vào cơ sở hạ tầng xanh sử dụng thực vật, đất và các hệ thống tự nhiên khác để dự trữ nguồn nước mưa. Việt Nam đã thực hiện các bước tương tự để tích hợp cơ sở hạ tầng nước tự nhiên và xây dựng truyền thống.

Thứ hai, tái chế nước thải. Ngày càng có nhiều nơi tái chế nước thải thành nước uống được. Các nhà máy tại Trung Quốc và Mỹ cũng đã biến các sản phẩm phụ từ quá trình xử lý nước thải thành phân bón.

Thứ ba, xây dựng nền nông nghiệp thông minh. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và chỉnh sửa bộ gen cũng đang thúc đẩy tiến bộ cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về cây trồng công nghệ sinh học để tạo ra năng suất cao hơn và khả năng chống chịu tốt hơn.

Vĩnh Khang (CFR)