Tp.HCM: Lấy ý kiến người dân để lắp mái che cho tuyến đường Lê Lợi

01/04/2023 00:01

Hệ thống mái che được Sở QH&KT Tp.HCM nghiên cứu dựa trên tổng thể chung để đồng bộ khu vực tiếp nối quảng trường chợ Bến Thành, đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ.

Tầm nhìn quy hoạch chung đối với phố đi bộ

Ngày 31/3, liên quan đề xuất làm mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1 của Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) Tp.HCM, đại diện cơ quan này đã trao đổi với Người Đưa Tin.

Bà Trương Quang Thục Trinh, Phó Trưởng Phòng Quy hoạch khu vực 1, Sở QH&KT Tp.HCM cho biết, hệ thống mái che được đơn vị nghiên cứu dựa trên tổng thể chung để đồng bộ khu vực tiếp nối quảng trường chợ Bến Thành và đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, kết nối thành một dải phố đi bộ. Còn về hình thức thế nào thì Sở QH&KT Tp.HCM vẫn đang nghiên cứu, lấy ý kiến.

"Sau khi được phê duyệt chủ trương, Sở QH&KT Tp.HCM sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi và thực hiện theo thời gian, có sự phân kỳ thực hiện", bà Trinh nói.

Về phương án cây xanh, bà Trinh cho hay, công tác tái lập đường Lê Lợi hiện cơ bản hoàn thành, đơn vị triển khai là Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Tp.HCM.

Theo đó, việc chọn hình thức cây xanh sao cho phù hợp hạ tầng sẽ do đơn vị chủ quản đưa ra những nghiên cứu về chủng loại để phù hợp không gian ngầm nhà ga metro và công trình ngầm thương mại dịch vụ, khu trung tâm.

"Khái toán (ước lượng) mà Sở QH&KT đưa ra ban đầu dựa trên cơ sở dễ thực hiện nhất để đáp ứng tiêu chí phù hợp điều kiện tự nhiên, cảnh quan cho thành phố", bà Trinh phản hồi.

Trao đổi với báo chí về đề xuất của Sở QH&KT Tp.HCM tại một hội nghị ngày 30/3, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, chính quyền Thành phố này sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến các bên liên quan đến đề xuất này.

"Giống như việc xây một căn nhà, có người muốn làm nhà tròn, có người muốn làm nhà vuông, nhà dài.... Do đó, Tp.HCM đang lắng nghe các ý kiến phản biện từ người dân đến chuyên gia, nhà khoa học như cách vẫn làm từ trước tới nay”, ông Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM, các ý kiến người dân đang sinh sống tại khu vực đó cũng là một kênh để thành phố lắng nghe và đưa ra quyết định. Sau khi ghi nhận đầy đủ, tất cả ý kiến, địa phương sẽ lựa chọn, đưa ra giải pháp phù hợp nhất.

Dân sinh - Tp.HCM: Lấy ý kiến người dân để lắp mái che cho tuyến đường Lê Lợi

Tuyến đường Lê Lợi, quận 1, Tp.HCM được tái lập nguyên trạng sau khi dự án xây dựng metro số 1 trả mặt bằng.

Trước đó, Sở QH&KT Tp.HCM đánh giá hiện trạng đường Lê Lợi chưa thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như ngày trước.

Do vậy, đơn vị đề xuất giải pháp lắp mái che để vừa che nắng, vừa che mưa và tạo tiện ích không gian đi bộ cho người dân, du khách. Kinh phí dự kiến 20-30 tỷ đồng.

Đơn vị nhận định đường Lê Lợi có tính chất trục đường thương mại, nơi dừng chân của du khách và là cầu nối của các công trình trọng điểm.

Do đó, cần thiết phải có nghiên cứu xây dựng trục đường Lê Lợi trở thành khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại.

Mái che dự kiến được lắp dọc vỉa hè tuyến đường, vươn ra 4 m, hình thức mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới. Mái che sử dụng vật liệu khung sắt và mái tôn đóng trần bên ngoài nhằm tiết kiệm chi phí, dễ bố trí biển quảng cáo, đa dạng màu sắc.

Cần thiết kế chỉn chu cho trung tâm thành phố

Đánh giá đề xuất này, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi là phần nhỏ của nhiều vấn đề lớn.

Hiện nay, khu vực tam giác Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi được định vị là khu vực trung tâm của Tp.HCM. Trong đó, đường Nguyễn Huệ là trục đường hành chính, đường Hàm Nghi là trục đường tài chính - ngân hàng và đường Lê Lợi là trục đường thương mại - dịch vụ.

“Trong tương lai, chúng ta phải vừa bảo tồn, vừa chỉnh trang và phát triển khu vực này. Hiện nay, trục đường Lê Lợi vừa có yếu tố thương mại vừa có yếu tố lịch sử. Ngoài ra, đây là điểm kết nối hai nhà ga metro là ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố. Do đó, theo kinh nghiệm quốc tế thì trục đường này sẽ là nơi người dân và du khách đi bộ giữa hai nhà ga, vừa tham quan, vừa mua sắm, thưởng ngoạn”, ông Nam Sơn phân tích.

Đường Lê Lợi là trục đường thương mại, dịch vụ, thường xuyên là nơi dừng chân của du khách trong, ngoài nước và là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, đường Lê Lợi từng có hàng cây xanh rất đẹp nhưng trước đó buộc phải chặt bỏ để thực hiện dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Do đó, cần thiết phải trồng lại hàng cây mới để tạo bóng mát và cảnh quan.

Đối với việc lắp mái che vỉa hè, ông Nam Sơn cho rằng, Tp.HCM có khí hậu hai mùa mưa - nắng rõ rệt. Do đó việc lắp mái che cũng rất cần thiết.

Tuy nhiên, mái che phải vừa gắn công trình lịch sử như chợ Bến Thành và một số nhà phố cũ vừa gắn với các công trình mới. Giữa công trình cũ và mới cần tính việc lắp mái che xuyên suốt hai bên đường đủ dài, tránh đoạn có, đoạn không.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, giữa công trình cũ và mới cần tính toán việc lắp mái che xuyên suốt hai bên đường đủ dài, tránh đoạn có đoạn không.

“Mái che mưa nắng có nhiều cách làm. Tuy nhiên, Thành phố cần nghiên cứu kiến trúc, nghiên cứu đô thị để xây dựng diện mạo đô thị. Tất cả phải gắn kết công trình thật hài hòa. Việc lắp mái che phải tính toán cao độ, độ hài hòa, thiết kế mái ra sao để che mưa nắng liên tục... tránh mất tiền lại không phù hợp với diện mạo đô thị”, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Còn ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM nhìn nhận, đường Lê Lợi là trục giao thông rất quan trọng. Đây là trục có nhiều công trình kiến trúc cần bảo tồn, có nhiều dấu ấn về cảnh quan lịch sử cẩn lưu giữ.

“Trục đường nằm ở lõi trung tâm thành phố, khi đến Tp.HCM, ai cũng muốn đến và đi qua trục này. Cho nên việc làm một công trình nào đó ở công trình này phải rất cẩn trọng. Quan ngại nhất là nếu như công trình đó tạo ra cảnh quan chắp vá, kiến trúc chắp vá, không hoàn mỹ, chỉn chu thì không để lại dấu ấn tốt cho du khách đến với thành phố”, ông Cương chỉ ra.

Ông Cương nói, nếu làm mái che vỉa hè phải có thiết kế phù hợp, không làm tạm bợ, chất liệu, kết cấu không làm phá vỡ cảnh quan có nhiều giá trị lịch sử ở con đường thuộc lõi trung tâm này.

Đồng thời, phía dưới đường Lê Lợi là tuyến metro ngầm Bến Thành - Suối Tiên nhưng chuyên gia này khẳng định “việc trồng cây lớn trên các công trình ngầm hoàn toàn bình thường và có thể thực hiện được”.

Chuyên gia này cũng nêu ý kiến, cần phải có sự đầu tư bài bản cho cả tuyến đường Lê Lợi, đặc biệt phải có bản thiết kế, quy hoạch rõ ràng để ý tưởng con đường này trở thành phố đi bộ khang trang, đẹp mắt và gây ấn tượng với bạn bè quốc tế khi đến du lịch Việt Nam.

Góc nhìn khác, TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Tp.HCM, cho rằng phương án lắp mái che sẽ không được nhiều người thống nhất vì có nhiều điểm không thuận lợi. Mái che với khung sắt, lợp tôn có thể che nắng nhưng nóng, bên dưới cũng không thoáng gió. Ngoài ra, còn phương tiện đi lại, xe giao hàng ra vào nên tính toán chiều cao cũng phức tạp.

"Mái che cũng mau xuống cấp, rồi kinh phí bảo trì, gió mạnh hư hỏng lại nhếch nhác. Ở Singapore cũng làm mái che nhưng họ làm trên đường đi bộ vào metro cho khách bộ hành. Còn ta làm trên vỉa hè thì không thuyết phục. Mái tôn trên vỉa hè lại thêm kiến trúc cứng nhắc", TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Từ đó, TS.Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng có thể ngay lập tức trồng cây xanh cao từ 2-3 mét để sớm có bóng mát. Bởi lẽ, “cây xanh vừa tạo bóng mát, vừa lọc không khí, hút bụi” nên đó là “phương án lâu bền hơn, đa năng hơn" so với lắp mai che.