Chính thức thành lập ngày 15/6/2006 theo Quyết định số 953/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, Hội PHANO quy tụ hơn 200 hội viên là các nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và các tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Với phương châm “Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo”, Hội đặt mục tiêu trở thành lực lượng khoa học xã hội nòng cốt, tư vấn chiến lược và đồng hành cùng các cấp, các ngành và người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững và phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, thông minh.
Ngay từ khi thành lập, PHANO đã xác định rõ định hướng phát triển dựa trên ba trụ cột: vì một nền nông nghiệp sinh thái, một nông thôn hiện đại và một người nông dân văn minh. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Hội. Với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, nghệ nhân và nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Hội đã từng bước khẳng định vai trò là một tổ chức khoa học và xã hội uy tín, gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân nông thôn Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động của Hội là vai trò tư vấn, phản biện và góp ý chính sách. Trong nhiệm kỳ 2019–2024, PHANO đã chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình giảm nghèo bền vững. Các ý kiến phản biện, đề xuất của Hội luôn dựa trên cơ sở thực tiễn và khoa học, góp phần giúp các chính sách tiệm cận tốt hơn với nhu cầu của nông dân và thực trạng phát triển nông thôn hiện nay.
Không chỉ dừng lại ở vai trò tư vấn, PHANO còn tích cực đồng hành cùng người dân và các địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn thông qua các chương trình hỗ trợ đăng ký, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản đặc trưng. Nhiều thương hiệu nông sản như “Hành Võng Xuyên”, “Trứng vịt Phụng Thượng”, “Bưởi Thạch Thất” đã được khẳng định trên thị trường nhờ sự hỗ trợ sát sao của Hội trong việc phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và kết nối thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, PHANO đã tổ chức nhiều sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng như Festival Bảo tồn làng nghề Việt Nam, Hội thảo Nông nghiệp thông minh và các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Các hoạt động này không chỉ giúp lan tỏa giá trị truyền thống của các làng nghề, tôn vinh người nông dân sáng tạo mà còn mở ra cơ hội liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ giữa các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Trong xu thế toàn cầu hóa, PHANO cũng tích cực mở rộng hợp tác quốc tế. Hội hiện đang đảm nhận vai trò Thư ký Quốc Gia Mạng lưới Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA) tại Việt Nam và là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai các dự án chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Các chương trình hợp tác này không chỉ nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến cho cán bộ và nông dân mà còn tạo cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Bước vào giai đoạn 2025–2030, PHANO xác định rõ chủ đề hành động là “Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo” nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động. Hội sẽ tập trung nghiên cứu chuyên sâu về mô hình nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng thời, Hội sẽ nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch nông thôn theo hướng trải nghiệm văn hóa, sinh thái. Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã và nông dân cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các khóa tập huấn, hội thảo và chương trình đồng hành dài hạn.
Trên tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Cụ thể, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp nghiên cứu và triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của các hội khoa học công nghệ; đồng thời mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Hội trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm “Khoa học vì nông dân, nông thôn phồn vinh”, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong kết nối tri thức, lan tỏa giá trị nhân văn và đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những nỗ lực bền bỉ của Hội không chỉ đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp mà còn góp phần xây dựng một nông thôn Việt Nam xanh – sạch – đẹp, hiện đại và thịnh vượng.