Quảng cáo #38

Hiện thực hóa Nghị quyết 57: Đặt khoa học – công nghệ vào trung tâm phát triển đất nước

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để nghị quyết không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, cần có những hành động thực chất nhằm đưa KH&CN thực sự đi vào đời sống và trở thành động lực trung tâm cho phát triển quốc gia.

Lịch sử nhân loại cho thấy khoa học, công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) luôn là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, tạo ra những bước ngoặt lịch sử về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Từ thời kỳ Khai sáng cho đến các cuộc cách mạng công nghiệp, chính sự phát triển của công cụ lao động, máy móc, phát minh và công nghệ đã góp phần thay đổi diện mạo thế giới. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là con đường để phát triển – mà là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai dân tộc.

Trong các văn kiện quan trọng gần đây, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần xác định vai trò then chốt của KH&CN. Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2012 gọi đây là “quốc sách hàng đầu”, Luật KH&CN năm 2013 tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu, Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2023 đề cao vai trò đội ngũ trí thức. Đặc biệt, Nghị quyết số 57 ra đời cuối năm 2024 tiếp tục khẳng định KH&CN, ĐMST và CĐS là “đột phá quan trọng hàng đầu” – không chỉ về mặt định hướng mà còn về quyết tâm chính trị.

17430651285053-1752666582.webp
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, bài viết “Hiện thực hóa Nghị quyết 57 trong thực tiễn: Đôi điều lạm bàn” đăng trên Tạp chí Nông thôn và Phát triển ngày 15/7/2025 đã thẳng thắn chỉ ra rằng, dù đã có nhiều nghị quyết và chủ trương, KH&CN ở nước ta vẫn chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Phần lớn vẫn nằm trên giấy, chưa thấm sâu vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh, chưa tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt cho nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia như Ireland, Singapore, Hàn Quốc… đều đã lựa chọn KH&CN làm đòn bẩy phát triển từ rất sớm, và nhờ đó vươn lên mạnh mẽ trong thời gian ngắn.

Về kinh tế, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong nhiều thập niên. Song đặt trong tương quan khu vực và toàn cầu, nền kinh tế vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Về KH&CN, số lượng sáng chế, công bố quốc tế và tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế còn hạn chế. Những vụ việc như sửa cầu, bảo tồn công trình lịch sử hay các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản… đều cho thấy tiềm lực khoa học nước nhà chưa đủ mạnh để giải quyết thách thức thực tiễn một cách chủ động và hiệu quả.

Không có con đường dễ dàng nào đưa một quốc gia trở nên hùng cường. Và Việt Nam, nếu không quyết liệt chuyển mình, sẽ tiếp tục ở lại “vùng trũng” trong cuộc chơi toàn cầu. Muốn thay đổi vị thế, cần một tư duy đột phá, một chiến lược bài bản – mà Nghị quyết 57 chính là nền tảng. Theo bài viết trên, nghị quyết này được kỳ vọng trở thành “Nghị quyết 10” thứ hai – lần này là cho KH&CN – mở ra hướng đi mới cho quốc gia trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên, để nghị quyết không rơi vào lối mòn “ban hành rồi để đó”, cần triển khai những giải pháp cụ thể. Trong đó, hai trọng tâm được xác định là: chấn hưng giáo dục đại học – nơi đào tạo lực lượng KH&CN chủ lực; và đổi mới công tác quản lý khoa học – tổ chức nghiên cứu, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo và ứng dụng tri thức.

Mời quý độc giả đọc bài viết gốc TẠI ĐÂY.

Nguyễn Phương Linh